Theo Quyết định số 7896/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về áp dụng biện pháp chống bán phá giá, từ ngày 5/10 tới, một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc, Indonesia, Đài Loan và Malaysia có thể bị áp mức thuế từ 3,07 - 37,29%.
Ông Đỗ Duy Thái |
Đứng ở góc độ DN, ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Thép Việt khi trao đổi với phóng viên TBNH cho rằng: “Đáng lý ra, hành động này đã phải diễn ra từ trước đây khá lâu”.
Vì sao ông có quan điểm như vậy?
Bởi thực tế thời gian qua, các DN sản xuất thép trong nước điêu đứng không những bởi sức cầu yếu dẫn tới lượng hàng tồn kho lớn, mà còn vấp phải sự cạnh tranh gay gắt của thép nhập khẩu, nên đã khó lại càng thêm khó.
Thép nhập khẩu ồ ạt tuồn vào thị trường Việt Nam đang dần “bóp nghẹt” hoạt động sản xuất sắt thép, có ảnh hưởng không nhỏ đối với lĩnh vực công nghiệp nặng đất nước. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm suy giảm năng lực xuất khẩu của sản phẩm thép ra thị trường một số nước lân cận và thế giới.
Điều đáng nói là trong bối cảnh thị trường đang dồn ứ sản phẩm thép, nhưng hàng nhập vẫn tiếp tục được ồ ạt vào Việt Nam. Điển hình như sản phẩm thép Trung Quốc trong 8 tháng qua lên đến 137.500 tấn, cao gấp 5 lần so với lượng thép nhập khẩu từ thị trường này trong năm 2011… Điều này cho thấy nguy cơ gây ảnh hưởng, thiệt hại đối với sản xuất trong nước.
Biên độ phá giá sản phẩm thép của một số công ty Trung Quốc từ 4,67% đến gần 7%; thép của Malaysia có mức phá giá trên 10% và điển hình một số công ty thép của Đài Loan có biên độ phá giá lên đến trên 37%... Sản phẩm thép trong nước khó có thể cạnh tranh nổi về giá bán.
Theo ông, cơ sở nào các nước kể trên lại có thể đưa ra những sản phẩm thép có giá cạnh tranh lớn như vậy? Phải chăng có phần do năng lực của DN trong nước chưa tốt dẫn đến giá cao?
Trong bối cảnh thị trường khó khăn chung, bản thân các DN sản xuất thép rất nhanh nhạy trong việc tìm kiếm thị trường mới, cũng như giảm công suất để tránh tạo áp lực thêm đối với nguồn cung. Cụ thể, nhiều nhà máy hiện nay chỉ còn duy trì tối đa khoảng 50 - 60% công suất, thậm chí có nhà máy chỉ cầm cự ở mức 20%.
Hiện trong nước có 13 DN sản xuất phôi thép lò cao có năng lực lên đến 3,3 triệu tấn, nhưng lượng sản xuất trong năm 2013 chỉ hơn 500.000 tấn. 26 DN sản xuất phôi thép từ lò điện, lò trung tần có năng suất 9 triệu tấn cũng chỉ sản xuất khoảng hơn 5 triệu tấn… Điều này trước mắt ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu và lợi nhuận, đồng thời cũng khiến giá thành sản phẩm khi cung ứng ra thị trường bị đội lên cao.
Đó là chưa nói đến hiện nay, các DN phải chịu khá nhiều sức ép từ chi phí xăng dầu, điện nước, thuế… Trong khi một số đối thủ có năng lực sản xuất quy mô lớn như Trung Quốc, Đài Loan… ngoài việc đã hoạt động hết khấu hao nhà máy, DN của họ còn được hưởng rất nhiều chính sách ưu đãi. Không ít sản phẩm thép ngoại nhập trong thời gian qua cũng đã có nhập nhằng mã HS để được hưởng thuế suất ưu đãi bằng 0% khi nhập khẩu vào Việt Nam.
Chống bán phá giá để hạn chế thép không gỉ nhập khẩu
Trong bối cảnh hiện nay, quan trọng hơn là tạo sân chơi bình đẳng để DN trong và ngoài nước cùng phát triển, thay vì lập hàng rào hoặc kiện tụng nhau khiến người mua cuối cùng phải chịu, thưa ông?
Điều này là hoàn toàn đúng nhưng chưa đủ, bởi việc áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm từ quốc gia khác nhằm bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước là chuyện hết sức bình thường và chính đáng. Bản thân sản phẩm thép của Việt Nam xuất đi nước ngoài cũng đã không ít lần vướng kiện tụng chống bán phá giá.
Cần phải xác định rõ một điều rằng, trước tiên miếng bánh nội địa nên dành cho các DN trong nước, còn đối với những hàng hóa nào DN Việt Nam không đủ năng lực sản xuất thì lúc đó mới nên khuyến khích nhập khẩu. Điều này đang không phù hợp với mặt hàng thép do hiện nay năng lực trong nước đã quá dư thừa thì việc cho phép nhập khẩu một cách thoải mái, ồ ạt thậm chí có sự gian lận thương mại của một số DN nước ngoài nhằm được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi là hoàn toàn không phù hợp và gây bất bình đẳng, cạnh tranh không lành mạnh trong bối cảnh DN trong nước đang gặp nhiều khó khăn hiện nay.
Việc Bộ Công Thương áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép nhập khẩu mặc dù chưa có có tiền lệ, tuy nhiên đây là tín hiệu đáng mừng giúp cho các DN thép nói riêng và các DN sản xuất của Việt Nam yên tâm hơn trong việc từng bước nắm giữ và phát triển thị trường nội địa ngày một vững mạnh, trước khi bước ra thị trường quốc tế.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn tin: Ngân hàng