Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Chống thiếu điện:Thép, xi măng, hóa chất sẽ bị cắt

Bộ Công Thương vừa có báo cáo đề xuất lên Chính phủ rằng trong những năm tới, nếu tình trạng thiếu điện còn tiếp diễn, tuỳ theo mức độ thiếu hụt đề nghị cho tiết giảm công suất của các đơn vị sử dụng công suất lớn như lò thép, xi măng, hoá chất.

Theo Bộ Công Thương, đây là những đơn vị tiêu thụ nhiều điện và gây nhiều ô nhiễm cho môi trường. Việc tiết giảm này sẽ được tính toán hợp lý nhằm chia sẻ bớt khó khăn cho người dân khi bị cắt giảm điện sinh hoạt kéo dài, đảm bảo công bằng xã hội.

Các hộ tiêu thụ điện lớn như lò thép, xi măng, hóa chất có thể bị tiết giảm khi thiếu điện

Từ tình hình cung cấp điện 6 tháng đầu năm 2010 và đặc biệt là các tháng 4, 5, 6 khi phải tiến hành tiết giảm phụ tải điện, Bộ Công Thương cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét thông qua kế hoạch tái cơ cấu ngành điện, tách khâu phát điện ra khỏi khâu truyền tải, mua bán và điều độ hệ thống điện để hình thành cạnh tranh trong khâu phát điện, để giá phát điện thực sự do thị trường xác lập, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.

Theo Bộ Công Thương, tình trạng thiếu nguồn điện dẫn đến không đảm bảo cung cấp điện trong 6 tháng đầu năm 2010 cơ bản xuất phát từ những hạn chế của cơ cấu tổ chức ngành điện hiện tại. Với cơ cấu tổ chức ngành điện theo mô hình tích hợp dọc (gồm cả phát, truyền tải, phân phối, mua bán điện, điều hành hệ thống điện) sẽ không tạo ra môi trường minh bạch cho việc thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài vào các nguồn điên mới để đảm bảo hệ thống có đủ công suất với dự phòng cần thiết.

Một nguyên nhân khác dẫn tới tình trạng thiếu điện, phải tiến hành cắt giảm trong thời gian qua là do công tác dự báo nhu cầu điện, đánh giá ảnh hưởng của thời tiết đến nhu cầu phụ tải điện cũng như đánh giá khả năng cung cấp điện của các nguồn điện (đặc biệt là các nguồn thuỷ điện và các nguồn điện mới) chưa sát thực tế dẫn đến việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện còn bị động, co quan này nhận định.

Cùng đó, một nuyên nhân chính dẫn đến tình hình thiếu điện trong mùa khô 2010 là do thiếu nguồn điện. Hầu hết các nhà máy điện mới được đưa vào vận hành đều chậm hơn tiến độ đã được phê duyệt trong Tổng sơ đồ VI ít nhất là 1 năm, làm ảnh hưởng đến sản lượng và công suất khả dụng của hệ thống dẫn đến thiếu hụt sản lượng điện, phải thực hiện tiết giảm điện, Bộ Công Thương đánh giá.

Theo tiến độ được duyệt các nguồn điện mới của Tổng sơ đồ VI, đến hết năm 2009, tổng công suất đặt của toàn hệ thống phải đạt 21.062MW, tuy nhiên trên thực tế chỉ đạt 18.400MW, trong đó một số dự án quan trọng như nhiệt điện Hải Phòng, Quảng Ninh, Mạo Khê, thuỷ điện Đồng Nai 3… có tiến độ bị chậm so với quy hoạch đến gần 2 năm.

Bộ Công Thương cũng cho biết thêm, qua hơn bốn năm theo dõi thực hiện Tổng sơ đồ VI đã bộc lộ những hạn chế như: cơ chế chỉ huy, điều hành để đưa các dự án nguồn điện mới vào vận hành đúng tiến độ được duyệt còn nhiều vấn đề. Hiện chưa có một cơ quan chịu trách nhiệm chuyên trách giám sát và điều hành thực hiện các dự án nguồn điện. Vì vậy, cần thiết phải xem xét, đánh giá lại để hình thành một cơ chế điều hành thực hiện các dự án nguồn điện đúng với tiến độ được duyệt, có cơ chế chỉ huy thực sự có hiệu lực, giảm dần tiến tới xoá bỏ tình trạng các dự án luôn chậm so với tiến độ như thời gian vừa qua.

Ngoài các nguyên nhân nói trên, Bộ Công Thương còn đề cập đến vấn đề giá điện hiện hành chưa hợp lý, chưa có cơ chế cho phép điều chỉnh giá điện một cách linh hoạt theo biến động của thị trường. Hiện nay giá điện mới chỉ được xem xét hiệu chỉnh mỗi năm một lần, chưa cho phép kịp thời điều chỉnh giá bản lẻ điện khi các yếu tố hình thành giá điện đầu vào tăng cao. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, sẽ rất nguy hiểm nếu có cơ chế cho phép chuyển các chi phí đầu vào của giá điện vào giá bán lẻ trong khi chưa có thị trường điện để giá khâu phát điện (chiếm trên 70% giá thành điện và là khâu có biến động giá nhiều nhất) được xác lập thực sự thông qua hoạt động cạnh tranh. Khi đó giá bán lẻ điện sẽ liên tục chịu áp lực tăng, dự kiến có thể lên tới 10 – 20%/năm và sẽ ảnh hưởng nhiều tới lạm phát, tăng trưởng kinh tế và đời sống nhân dân.

Trong các tháng 4, 5, 6 năm 2010, do tình trạng hệ thống thiếu nguồn và phụ tải tăng cao, toàn hệ thống đã phải thực hiện cắt giảm điện. Sản lượng điện thiếu hụt phải tiết giảm ước tính lên tới 1,3 tỷ kWh, tương đương với khoảng 5,3% so với nhu cầu của hệ thống. Riêng trong 10 ngày đầu tháng 7: không thực hiện tiết giảm toàn hệ thống, sản lượng điện trung bình ngày đạt xấp xỉ 315 triệu kWh (ngày cao điểm đạt xấp xỉ 330 triệu kWh). Nếu so với mức sản lượng trung bình ngày của tháng 6, mức tiết giảm thực tế có thể lên tới 40 – 45 triệu kWh (bằng khoảng 13 - 15% nhu cầu điện thực tế).

Toquoc

ĐỌC THÊM