Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Chủ động nguồn cung thép tấm trong công nghiệp đóng tàu

Việc đưa vào vận hành Nhà máy Cán nóng thép tấm Cái Lân từ đầu tháng 6/2010, Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) không chỉ chủ động được thép tấm, vật liệu quan trọng nhất, mà còn góp phần nâng sức cạnh tranh cho ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam.

Ông Nguyễn Tuấn Dương, Tổng giám đốc Nhà máy Cán nóng thép tấm Cái Lân, cho biết, ngay sau khi mẻ thép tấm cán nóng khổ rộng (chuyên sử dụng cho đóng tàu) đầu tiên ra lò ngày 2/6, Nhà máy đã ký được hợp đồng cung cấp 350.000 tấn thép tấm cho các đơn vị đóng tàu trong Tập đoàn.
Được biết, nhà máy có công suất 500.000 tấn thép tấm/năm do Vinashin đầu tư 100% vốn, với tổng mức đầu tư 2.900 tỷ đồng. Nhà máy có năng lực sản xuất thép tấm khổ rộng từ 1,6 đến 3 m, dài từ 6 đến 18 m, dày từ 5 đến 50 mm, đủ tiêu chuẩn đóng tàu trọng tải đến 300.000 tấn.

“Một tấm thép loại này (bằng 6 tấm thép mà hiện Vinashin vẫn nhập) sẽ giảm được số lượng các đường hàn. Các sản phẩm của nhà máy đều đạt tiêu chuẩn theo các đăng kiểm trong nước và quốc tế dành cho ngành đóng tàu như DNV (Na Uy), Lloy’ds (Đức), NK (Nhật Bản), ABS (Mỹ), BV (Pháp) và VR (Việt Nam). Đây là nhà máy cán nóng thép tấm lớn nhất Đông Á”, ông Dương cho biết.

Theo tính toán, sản phẩm thép đóng tàu của Vinashin rẻ hơn khoảng 100 - 150 USD/tấn so với thép tấm nhập khẩu. Với việc sử dụng mỗi năm khoảng 1 triệu tấn thép đóng tàu như hiện nay, Vinashin không chỉ tiết kiệm được khoảng 70 triệu USD, mà còn chủ động, rút ngắn tiến độ thi công các đơn hàng.

“Trong tổng giá thành một tàu biển cỡ lớn, thép tấm chiếm 20-25%. Từ trước tới nay, Vinashin đều phải nhập toàn bộ thép tấm đóng tàu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...”, ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Vinashin cho biết.

Được biết, việc chủ động nguồn cung cấp thép tấm được Vinashin coi là một định hướng chiến lược quan trọng nhằm tăng sức cạnh tranh cho ngành đóng tàu Việt Nam. Chính vì vậy, cho dù thời gian qua, gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng Vinashin vẫn dồn sức tập trung đầu tư vào “mũi nhọn thép tấm” này.

Để Việt Nam có thể chiếm vị trí thứ 4 trong các cường quốc đóng tàu thế giới, Vinashin coi việc nâng tỷ lệ nội địa hoá lên 60% vào năm 2015 là một trong những “bàn đạp” quan trọng mang tính quyết định. Trong hai năm 2008-2009, Vinashin đã sản xuất và lắp ráp được động cơ tàu thủy, trang thiết bị lắp đặt trên tàu, nội thất tàu thủy, sản xuất thiết bị nâng hạ, vật liệu hàn, cần cẩu, máy hàn, máy lốc tôn, dây chuyền phun sơn tổng đoạn, sản xuất container... nâng dần tỷ lệ nội địa hoá công nghiệp đóng tàu.

Nay sự góp mặt của thép tấm được coi là một bước đột phá trong chiến lược nội địa hoá của ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam. Từ năm 2011, tổng sản lượng sản xuất thép các loại của Vinashin sẽ là khoảng 4 triệu tấn/năm, đáp ứng toàn bộ nhu cầu của Tập đoàn, từ thép vỏ tàu, thép xương tàu, đến chi tiết chế tạo.

Baodautu

ĐỌC THÊM