Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) quyết định áp mức thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm tôn thép nhập khẩu từ Việt Nam, có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ Hàn Quốc và Đài Loan. Tuy nhiên, việc áp thuế này không khiến nhiều DN thép Việt Nam lo lắng nhiều do đã có sự chủ động, chuẩn bị từ trước.
DN ngành thép đều đã có sự chủ động về nguồn nguyên liệu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), DOC đã sơ bộ khẳng định việc lẩn tránh thuế đối với thép các bon chống ăn mòn (thường được gọi là tôn mạ) và thép cán nguội của Việt Nam sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc là có thật để xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Trước đó, phía Mỹ cũng đưa ra quyết định áp thuế đối với sản phẩm tôn mạ sử dụng nguyên liệu thép cán nóng từ Trung Quốc lên tới 256,44%.
Tuy nhiên, phía Cục Phòng vệ thương mại cho rằng, các DN sẽ không phải đặt tiền cọc nếu chứng minh được rằng tôn mạ và thép cán nguội không được sản xuất từ thép cán nóng của Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan. Nhưng nếu DN không chứng nhận được hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ sử dụng nguyên vật liệu từ nguồn nào, DN sẽ bị áp mức thuế áp dụng đối với Trung Quốc do mức thuế này cao nhất để tránh trường hợp trốn thuế.
Có thể nói, quyết định áp thuế của Mỹ với ngành thép Việt Nam thời gian qua là khá “sốc” về mức thuế. Tuy nhiên, các DN đều cho rằng, hành động áp thuế không phải điều bất ngờ; bởi 5 năm gần đây, ngành sản xuất thép Việt Nam liên tục đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, với mức độ ngày càng gia tăng. Do vậy, các DN đã có sự chuẩn bị, chủ động ứng phó. Hiện nay, hai dự án thép Formosa và Dung Quất cũng đã phần nào cung cấp được nguồn thép cuộn cán nóng.
Nói về sự chuẩn bị của DN, ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen cho biết, quyết định này không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Hoa Sen.
“DN đã chủ động sử dụng nguồn nguyên liệu Việt Nam hoặc các nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ không phải từ Trung Quốc, Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan để sản xuất các đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ. Đồng thời, Hoa Sen cũng chủ động hợp tác tốt với DOC trong quá trình điều tra, thẩm tra trực tiếp tại Tâp đoàn Hoa Sen, cung cấp tài liệu chứng minh nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, quá trình sản xuất đến sản phẩm đầu ra theo yêu cầu của DOC một cách minh bạch”, ông Thanh cho hay.
Bên cạnh việc chủ động nguồn nguyên liệu, các DN ngành thép cũng đang phải nỗ lực đa dạng hóa thị trường, đặc biệt là hướng tới xuất khẩu vào các thị trường mới nhưng tiềm năng.
Tập đoàn Hòa Phát cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng thép cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu đều tăng mạnh. Trong đó, thép xây dựng Hòa Phát đã xuất khẩu được hơn 123 nghìn tấn, tăng 35% so với cùng kỳ 2018. Tuy nhiên, ngoài các thị trường truyền thống như Bắc Mỹ và Đông Nam Á, trong những tháng gần đây, Công ty Ống thép Hòa Phát đã mở rộng thêm nhiều thị trường xuất khẩu mới, trong đó đã ghi nhận những đơn hàng đầu tiên được ký kết với đối tác Ấn Độ và Mỹ Latinh. Đặc biệt, với thị trường Ấn Độ, để đạt được giấy chứng nhận xuất xứ C.O form AI, DN này đã đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu thép cán nóng từ nhiều nhà máy Ấn Độ để đáp ứng các quy tắc xuất xứ…
Tương tự, ông Vũ Văn Thanh cho hay, chiến lược kinh doanh của Hoa Sen là “đi bằng cả hai chân” – thị trường nội địa và xuất khẩu. Nhờ việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phát triển thị trường nội địa, Tập đoàn Hoa Sen đã giảm thiểu được các rủi ro và nắm được lợi thế cạnh tranh bền vững ở thị trường trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, DN không nên chủ quan mà cần tiếp tục nỗ lực, chuẩn bị những phương án tốt nhất để sống chung với những vụ kiện phòng vệ thương mại có thể diễn ra.
Nguồn tin: Baohaiquan