Kinh tế Mỹ quý 3/2010 được dự báo chỉ tăng trưởng 1,4%. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ từ đầu năm 2010 đến nay duy trì trên mức 9%.
Ông Ben Bernanke, chủ tịch FED, cho rằng khủng hoảng tài chính đã khiến kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ thấp hơn dự báo của các nhà hoạch định chính sách dù Ngân hàng Trung ương đã dành hơn 1 nghìn tỷ USD mua trái phiếu để giảm lãi suất.
Trong bài phát biểu mới nhất, ông nói: “Bằng việc mua lại chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp và trái phiếu Bộ Tài chính, chúng tôi đã hỗ trợ cho nền kinh tế. Chúng tôi tránh được cái gọi là sự đi xuống trên quy mô toàn cầu. Thế nhưng ngay cả như vậy, chúng tôi thật sự hiểu rằng khủng hoảng tài chính có ảnh hưởng lớn thế nào đến hoạt động kinh tế thực tế. Khủng hoảng đã đẩy kinh tế thế giới vào suy thoái sâu trong nửa sau năm 2008 và đầu năm 2009, chúng ta đang trong quá trình phục hồi chậm hơn so với mong muốn.”
Ngày 21/09/2010, quan chức thuộc FED cho biết sẽ tiến hành đưa ra thêm biện pháp hỗ trợ nếu cần thiết để hỗ trợ cho đà phục hồi kinh tế. Họ duy trì lãi suất cơ bản ở mức 0% đến 0,25% và nhấn mạnh rằng lạm phát hiện đang ở dưới mức kỳ vọng ổn định.
Kinh tế Mỹ quý 2/2010 tăng trưởng 1,6% và nhiều khả năng chỉ tăng trưởng được 1,4% trong quý 3/2010 (theo tính toán của công ty dự báo Macroeconomics Advisers).
Chủ tịch FED cam kết: “Chúng tôi sẽ liên tục theo dõi và cố gắng nắm rõ yếu tố quyết định.”
Tăng trưởng kinh tế ở mức thấp đã khiến tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở trên mức 9% trong các tháng của năm nay. Tỷ lệ lạm phát, sau khi loại bỏ biến động giá thực phẩm và năng lượng, tăng 1,4% trong tháng 7/2010.
Ông Bernanke nhận xét: “Dù hiện nay phần lớn thị trường tài chính đã hoạt động bình thường, nỗ lực chính sách cho đến nay chưa tạo được đà phục hồi thật vững cho nền kinh tế để giảm tỷ lệ thất nghiệp.”
Ông cho rằng quy định điều tiết mới cần ngăn được rủi ro khủng hoảng tài chính trong tương lai, ông kêu gọi nghiên cứu nhiều hơn về bong bóng giá tài sản, thanh khoản của thị trường và quá trình ứng phó của các nhà hoạch định chính sách trong bối cảnh thị trường hoảng loạn.
Nguồn: Bloomberg