Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Chủ tịch Hiệp hội Thép: Ngành thép khó khăn nhưng chưa tới mức phá sản

 Một tấn thép bị tồn trong vòng 1 tháng sẽ nâng chi phí tài chính của DN lên thêm khoảng 200.000 – 300.000 đồng. Hiện lượng thép tồn kho của ngành được cho là khoảng 420.000 tấn.

 

Nhu cầu thép giảm mạnh do khó khăn chung của nền kinh tế khiến nhiều DN thép gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Và một trong những biểu hiện cụ thể nhất là lượng hàng tồn kho của ngành này khoảng 420.000 tấn. Ông Phạm Chí Cường – Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam đã có những trao đổi xoay quanh vấn đề này.

 

Nhiều DN thép cho biết, hiện tại họ đang bị tồn kho rất nhiều. Vậy Hiệp hội có thống kê cụ thể về lượng tồn kho của các DN này, tính đến thời điểm hiện tại không, thưa ông?

 

Ngành thép đang là một trong những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách thắt chặt tiền tệ của NHNN. Theo thống kê của Hiệp hội Thép, thì tính đến hết tháng 7/2011 thì lượng hàng sản xuất tồn kho của các doanh nghiệp thép là 420.000 tấn, cộng với tồn kho tại các cửa hàng thương mại nữa thì có thể con số này còn tăng thêm.

Một số phương tiện thông tin đại chúng đưa ra con số tổng tồn kho hiện nay là 600.000 tấn, nhưng tôi cũng không rõ là độ chính xác này là bao nhiêu vì thống kê tồn kho trong sản xuất thì chính xác còn thống kê tồn kho trong lưu thông thì hơi khó. Nhưng tồn kho đang là khó khăn hiện nay của ngành thép...”

 

 

So với các năm trước lượng tồn kho của năm nay đang vượt gần gấp đôi mức bình thường (200.000 – 300.000 tấn).

 

Theo ông, xu hướng tồn kho của ngành thép có còn gia tăng trong thời gian tới nữa không?

 

Tôi cho rằng, số tồn kho đến giờ đã là ở mức báo động nên DN sẽ không dám sản xuất thêm nhiều khiến lượng tồn kho tăng thêm hơn nữa; bởi lẽ kho bãi không thể chứa được hết mà thép lại là mặt hàng dễ bị hoe xỉ. Đình sản xuất sẽ là giải pháp được nhiều doanh nghiệp thép lựa chọn để cầm chừng qua giai đoạn khó khăn này.

 

Điều đó sẽ gây khó khăn như thế nào đối với các DN?

 

Thông thường các DN rất muốn có vốn lưu động để quay vòng, vốn càng nhiều thì hiệu quả sản xuất càng cao nhưng với tình trạng tồn kho như hiện nay thì doanh nghiệp sẽ gặp phải một số khó khăn sau:

 

Thứ nhất, với lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện nay khoảng 20% thì 1 tấn thép bị tồn trong vòng 1 tháng sẽ nâng chi phí tài chính của DN lên thêm khoảng 200.000 – 300.000 đồng.

 

Thứ hai, nếu hàng tồn quá nhiều sẽ khiến các doanh nghiệp thép phải giảm sản lượng sản xuất xuống, trong khi đó nếu không chạy hết công suất thiết kế thì hầu hết các nhà máy sản xuất thép sẽ bị lỗ.

 

Đã có thông tin rằng tình hình khó khăn hiện nay đã khiến khoảng 20% DN thép bị phá sản, ông thấy thông tin này thế nào?

 

Ngành thép đang bị tồn kho là điều đúng nhưng không phải diễn ra ở tất cả các doanh nghiệp, có doanh nghiệp vẫn hoạt động đúng công xuất, có doanh nghiệp sản xuất cầm chừng... Nhưng tính đến thời điểm hiện tại Hiệp hội vẫn chưa nhận được một thông tin nào của hội viên báo lên là bị đóng cửacả.

 

Cũng có thể trong ngành thép đang có những DN đang gặp khó khăn khiến ngân hàng (chủ nợ) phải kiểm soát chặt chẽ nguồn tiền vào để thu nợ (quá hạn) hoặc tiêu thụ sản phẩm quá chậm và ít hay nhiều doanh nghiệp tìm đối tác để bán lại.

 

Tôi xin khẳng định, tình trạng nhiều doanh nghiệp thép đang phải sản xuất đình đốn thì có nhưng đóng cửa hoàn toàn hay tuyên bố phá sản là chưa có. Ai đó đã đưa ra con số 20% doanh nghiệp thép bị phá sản là không có căn cứ.

 

Nhưng nếu tình trạng tồn kho này còn tiếp diễn trong thời gian tới thì có hay không việc nhiều DN thép sẽ bị phá sản?

 

Từ nay đến cuối năm tình trạng khó khăn này còn kéo dài, sản xuất ra không bán được, hàng tồn kho tiếp tục tăng thì chắc chắn nhiều DN sẽ phải dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, còn phá sản hay không sẽ phải phụ thuộc vào tình hình thực tế cũng như giải quyết các hỗ trợ của các cơ quan chức năng cũng như các tổ chức tín dụng (giãn nợ, giải quyết những khó khăn trước mắt về mặt tài chính...)

 

Thống đốc ngân hàng mới lên có tuyên bố rằng sẽ quyết tâm hạ mặt bằng lãi suất cho vay xuống 17 – 19% , các cơ quan chức năng cũng đưa ra nhiều chính sách mới để “giải thoát” nguy cơ phá sản cho các DNNVV và các DN thép cũng sẽ nằm trong đối tượng được “cứu”.

 

Trong trường hợp không được “cứu” thì phá sản sẽ xảy ra với nhiều DN thép.

 

Phải hạ giá để giải phóng hàng tồn kho, ông có cho rằng việc này cũng sẽ góp phần giúp chống được thép lậu của các nước tràn sang Việt Nam không?

 

Thực ra, mặt hàng thép xây dựng thì các sản phẩm thép trong nước đã chiếm thị phần khá là tốt. Hiện nay, thép xây dựng nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu là thép Trung Quốc nhưng chất lượng và thương hiệu lại không bằng thép trong nước nên việc lấy lại lòng tin của người tiêu dùng đối với thép lậu sẽ là không dễ dàng.

 

Cụ thể, thép cây (thép chịu lực) tiêu thụ của hàng nhập rất thấp, trong tổng số tiêu thụ 3 triệu tấn trong 6 tháng đầu năm 2011 thì lượng thép ngoại chỉ vào khoảng vài vạn tấn – một lượng rất nhỏ, không đáng kể.

 

Ở mặt hàng thép cuộn thì theo thống kê đến hết tháng 6 có khoảng 180 nghìn tấn được nhập vào nước ta nhưng cũng chỉ chiếm 1/3 thị phần.

 

Đó là còn chưa kể đến việc khi nhập vào Việt Nam họ bị chịu phí vận tải và thuế nhập khẩu với mặt hàng thép của Trung Quốc 7 - 10%

 

Nói như thế để thấy rằng, với những điều kiện đó thép lậu vào Việt Nam vốn cũng rất khó cạnh tranh. Hay nói một cách khác, việc tồn kho hay hạ giá của các doanh nghiệp thép không ảnh hưởng hay liên quan nhiều đến việc ngăn chặn thép nhập lậu tràn vào nước ta.

 

Còn người tiêu dùng có được hưởng lợi gì không, thưa ông?

 

Cũng như các ngành nghề khác, khi tồn kho quá nhiều các DN thép cũng sẽ phải hạ giá để cắt lỗ nhưng cũng không thể giảm giá quá nhiều.

 

Cá nhân tôi cho rằng, mức giá hiện nay của các DN thép cũng chưa phải là giá thấp nhất nhưng để giảm thêm nhiều nữa sẽ là khó vì mức giá hiện nay đã khiến nhiều DN bị lỗ.

 

Tuy nhiên, để kích thích tiêu dùng nhiều DN sẽ chọn hình thức giảm giá khác mà không tính trực tiếp vào giá thành như: Cho phép trả chậm, không tính lãi, triết khấu vận tải nhiều hơn trước, ... Như thế đã là một trong những biện pháp hỗ trợ người tiêu dùng của các DN thép.

Nguồn tin:CafeF

 

ĐỌC THÊM