Hiệp hội thép VN (VSA) liên tục cảnh báo việc thừa công suất, nhưng hàng loạt dự án thép, đặc biệt là các dự án nằm ngoài “vùng phủ sóng” vẫn được cấp phép. Đó là vấn đề nói mãi rồi. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay vẫn có hàng loạt DN trong ngành thép công bố lãi lớn. DĐDN có cuộc trao đổi với ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội thép VN xung quanh nội dung này.
Ông Cường cho biết, hiện nay tiêu thụ thép đã giảm rõ rệt. Hồi đầu năm tiêu thụ vẫn ổn, song đến nay đã giảm, nhất là trong các tháng 4, 5, 6. Đặc biệt từ 1/7 các ngân hàng phải thực hiện quy định về tín dụng cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất giảm ở mức đầu tiên 22%, nếu vài tháng nữa xuống dưới 20% thì ngành thép phải chịu đựng thử thách lớn hơn, mức tiêu thụ cũng sẽ chậm.
- Nhưng việc thừa thép trong bối cảnh nhu cầu thị trường giảm cũng là một cơ hội để ngành thép rà soát lại quy hoạch, để có những sản phẩm tốt, chất lượng và cạnh tranh tốt hơn. Đặc biệt là giảm thiểu việc phát triển thép tràn lan như hiện nay, thưa ông ?
Tôi cho rằng việc tính toán giá thành sản phẩm hợp lý để ngành thép có thể đủ tính cạnh tranh, tồn tại trong bối cảnh tràn lan thép nhập ngoại là điều các DN cần thực hiện. Hiện nay, chúng ta đã hội nhập sâu rộng, nếu sản phẩm chúng ta không tốt và có giá không cạnh tranh, không đủ chất lượng như sản phẩm các nước thì khó XK được.
Điều đáng nói ở đây là ngành thép đang phát triển không cân đối, không có kiểm soát về nhu cầu thực tế của thị trường, các địa phương đang cấp phép đầu tư tràn lan. Hiện nay hầu hết các sản phẩm thép đều thừa, riêng đối với thép xây dựng đang đạt công suất 9 triệu tấn, nếu tiêu thụ tốt như năm 2010 mới đạt 5,6 triệu tấn. Với sản phẩm cán nguội để tráng tôn, mạ kẽm, phủ màu... chúng ta có công suất 2,7 triệu tấn trong khi tiêu thụ chỉ đạt 1,3-1,4 triệu tấn. Do vậy, nếu không XK được thì chắc chắn sản phẩm sẽ thừa, DN gặp khó khăn.
Hiện nay, nhập siêu trong ngành thép năm 2010 lên tới 6 tỉ USD, nếu năm 2011 cả nền kinh tế cố gắng nhập siêu 15 tỉ USD, ngành thép vẫn nhập siêu như năm ngoái thì đã chiếm gần ½ lượng nhập siêu của cả nước. Đây là một gánh nặng lớn.
- Trong bối cảnh sản lượng thép đang thừa so với nhu cầu tiêu thụ trong nước, nhiều DN cho biết giải pháp “giảm nhiệt” thép thừa là XK. Ý kiến của ông ?
Đúng ! Nếu năm 2010 ngành thép XK được 1,4 triệu tấn và thu về hơn 1 tỉ USD, thì năm nay, do mức thép thừa tương đối lớn nên mục tiêu chúng tôi đề ra là XK hơn 2 triệu tấn và kim ngạch đạt trên 2 tỉ USD. Tuy nhiên, điều này không đơn giản.
Ở các nước, trước những khó khăn của DN thép, người ta tìm mọi cách hỗ trợ, trong đó có giải pháp giảm thuế GTGT cho sản phẩm XK, hỗ trợ mọi cách để XK được sản phẩm. Trong khi đó ở ta sự hỗ trợ chưa nhiều, thậm chí có ý kiến cho rằng cần đánh thuế các sản phẩm XK 3%.
Tôi cho rằng, việc đánh thuế để bù cho việc ngành thép được hưởng giá điện thấp là chưa chuẩn. Lý do là trong ngành thép, các sản phẩm XK chỉ chiếm 1-1,2% cơ cấu giá thành sản phẩm XK. Do vậy, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận tính đủ theo quy định của Nhà nước. Khi tính đủ, các DN phải phấn đấu giảm tiêu thụ điện, đầu tư và áp dụng công nghệ mới, giảm giá thành. Tuy nhiên, nếu tính đủ thì đừng cắt điện đột ngột, vì thiệt hại rất lớn.
- Với các dự án thép đang được cấp phép tràn lan tại các địa phương, theo ông phải làm thế nào để rà soát các dự án không hiệu quả ?
Chúng ta đã có quy hoạch của ngành thép từ năm 2007, đến nay quy hoạch đó đang bị vỡ. Bộ Công Thương đã kiểm tra và đưa ra yêu cầu cụ thể dự án thép phải đạt quy mô, công suất, theo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường như thế nào mới được cấp phép. Tuy nhiên, nhiều địa phương không chấp hành và “vượt rào” bằng cách cứ dự án nào dưới 1.500 tỉ VND là họ cấp phép.
Trong khi đó chúng ta chưa có cơ chế, chế tài, thậm chí kỉ luật địa phương nào không tuân thủ quy hoạch của ngành thép. Do vậy, việc phát triển tràn lan, không quy hoạch đã làm gánh nặng thừa thép ngày một nặng. Tôi cho rằng đây là một lãng phí xã hội rất lớn !
- Để giảm nhập siêu trong thời gian tới, ngành thép sẽ phải làm gì và đâu là mong muốn của ngành thép hiện nay ?
Hiện nay việc cắt giảm đầu tư công, dừng các dự án chưa hiệu quả... khiến việc tiêu thụ giảm đang kể. Trước khó khăn đó, các nhà máy đang sản xuất bắt buộc phải tìm giải pháp riêng, trong đó cả thị trường trong và ngoài nước để duy tri sản xuất và tạo công ăn việc làm. Do vậy, điều chúng tôi hi vọng là ngoài chuyện điều chỉnh kinh tế vĩ mô của Nhà nước, các dự án đầu tư sẽ tiếp tục triển khai, tập trung nguồn lực nhà nước để dự án đúng tiễn độ và ngành thép tiêu thụ được sản phẩm.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn Nhà nước hỗ trợ lãi suất cho các DN ngành thép, đặc biệt là DNNVV, nếu lãi suất cao như hiện nay trên 20% DN khó trụ nổi.
- Nhiều ý kiến cho rằng, ngành thép liên tục kêu khó khăn, thép thừa không tiêu thụ được... nhưng các DN đầu tư sản xuất thép vẫn lãi lớn. Ông nghĩ sao về điều này ?
Nói như vậy là chưa hiểu hết nội tại của ngành thép ! Giống như nhiều ngành khác, ngành thép hiện có quy mô và đặc thù rất khác nhau, có DN nước ngoài quy mô lớn, có DN hoàn toàn trong nước đầu tư và trình độ công nghệ khác nhau tuỳ năng lực của từng nhà đầu tư. Do vậy, giá thành sản phẩm cũng có phần khác nhau, khi tiêu thụ sản phẩm, anh nào có mạng lưới tiêu thụ tốt thì tiêu thụ thuận lợi và ngược lại. Ngành thép đang tồn tại 32 DN sản xuất thép cán, hơn 20 DN sản xuất phôi thép, còn lại 100 DN gia công thép, cán thép... Vì trình độ, năng lực khác nhau như vậy nên cũng có DN có lãi, nhưng cũng có nhiều DN thua lỗ do nhiều nguyên nhân, đặc biệt trong những tháng giữa năm nay.
Nhiều người nói ngành thép vẫn đang lãi lớn nhưng có ở trong ngành mới biết, không chỉ toàn màu hồng.
- Xin cảm ơn ông !
Trong bối cảnh dư thừa của ngành thép hiện nay cho thấy cần có những biện pháp vừa cụ thể, vừa lâu dài hỗ trợ cho việc xuất khẩu.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khẳng định, dù dư thừa nhưng đa phần các doanh nghiệp từ đầu năm đến nay vẫn có lãi, nhất là những doanh nghiệp lớn, đầu tư bài bản, có chiều sâu, áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến. Trong khi đó, những DN lỗ lại là những DN nhỏ, vốn đầu tư ít, công nghệ lạc hậu.
Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp