Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Chủ tịch Hiệp hội Thép VN: Ưu tiên hàng đầu là khuyến khích xuất khẩu

Nhiều năm qua, nền kinh tế nước ta duy trì tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm từ 6,5 – 7%. Nhờ vậy ngành công nghiệp thép trong nước cũng được chú ý đầu tư và đẩy mạnh sản xuất, với tổng lượng tiêu thụ thép cả nước trong năm 2009- 2010 quanh mức 11 triệu tấn/năm, tăng trưởng sản xuất 5 năm gần đây đạt xấp xỉ 20-30%/năm...
 

 



Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường.
 


Tuy nhiên, ngành công nghiệp thép đã bộc lộ một số điểm yếu cơ bản. Vậy đâu là những giải pháp cần thiết và cấp bách để giải quyết khó khăn cho ngành thép?PV báo NB&CL đã có cuộc  trao đổi với Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường xung quanh vấn đề này.

Ông có thể chỉ rõ những điểm yếu cơ bản của ngành thép đang gặp phải hiện nay?

Điểm yếu đầu tiên, đó là do chúng ta phát triển tràn lan, không theo quy hoạch gây nên tình trạng mất cân đối trầm trọng. Các sản phẩm như thép xây dựng, thép ống, thép mạ kim loại và sơn phủ màu… đầu tư quá mức. Tình trạng này đã làm vượt xa nhu cầu (gần gấp đôi), trong khi nhiều sản phẩm thép khác như thép tấm, thép cuộn cán nóng, thép không gỉ, thép chế tạo… lại không được chú ý đầu tư, hiện tại mỗi năm phải nhập trên 5 triệu tấn, kèm theo đó là lượng ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu và sản phẩm thép trong nước chưa sản xuất được hàng năm gần 7 tỷ USD. Trong khi năm 2010 chúng ta mới chỉ xuất khẩu được hơn 1 triệu tấn thép (giá trị trên 1 tỷ USD). Nhập siêu của ngành thép năm 2010 là gần 6 tỷ USD.

Nguyên nhân của sự đầu tư tràn lan và không đúng trọng tâm này là gì – thưa ông?

Đó là đầu tư không đảm bảo sự phát triển bền vững. Bởi hầu hết các nhà máy có quy mô nhỏ, công suất từ 200.000 – 300.000 tấn/năm (chỉ 2-3 nhà máy có công suất trên 500.000 tấn/năm), nên trang thiết bị công nghệ không đạt được mức tiên tiến, không đủ sức cạnh tranh khi hội nhập sâu với kinh tế khu vực và thế giới. Chỉ mới vài năm gần đây mới có công ty lựa chọn công nghệ và thiết bị có công suất cỡ 1 triệu tấn/năm, nhưng còn trong giai đoạn xây dựng.

Nhiều dự án thép ở các địa phương cấp phép đầu tư không đủ điều kiện để khi nhà máy xây dựng xong có thể vận hành ổn định lâu dài như: thiếu nguyên liệu quặng sắt, thiếu điện, thiếu nước, giao thông vận tải khó khăn, có nơi chỉ đi vào sản xuất được vài tháng đã phải ngừng. Hơn nữa, vấn đề bảo vệ môi trường, xử lý các sản phẩm gây ô nhiễm không được chú trọng đầu tư hoặc không đủ vốn và kiến thức để lường trước những tác động đến môi trường nên có trường hợp nhà máy xây dựng xong bị địa phương và người dân phản đối, không cho sản xuất gây lãng phí lớn.

Những năm gần đây chúng ta đang thu hút được những dự án FDI cho ngành thép có vốn đầu tư lên đến hàng tỷ USD, tuy nhiên xét về tính khả thi thì những dự án này vẫn đang còn là dấu hỏi lớn? 

Lựa chọn đối tác đầu tư các khu liên hợp lớn trong những năm gần đây đã được triển khai mạnh mẽ, có tới 3 -4 dự án đầu tư FDI, với mức đầu tư trị giá từ 5-7 tỷ USD/dự án đã được cấp phép và bước đầu triển khai xây dựng. Tuy nhiên, việc chọn dự án không xuất phát từ những tính toán cân nhắc kỹ lưỡng về năng lực tài chính, kinh nghiệm xây dựng và vận hành các liên hợp thép lớn của nhà đầu tư, nên tới nay chỉ còn lại 1-2 nhà đầu tư tiếp tục triển khai và hầu hết đều chậm so với tiến độ dự kiến. Đã có những biểu hiện nghi ngờ về tính hiện thực của những dự án cỡ lớn này.

Những biến động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước sẽ tác động như thế nào đến ngành thép trong năm 2011 này, thưa ông?

Những khó khăn mà ngành thép gặp phải trong năm này là do giá nguyên liệu của ngành thép như quặng sắt, than cốc, phôi thép và thép phế … tăng hoặc giữ ở mức giá cao hơn năm 2010 từ 20- 30%. Kinh tế Mỹ, các nước EU và tình hình chính trị nhiều nước Châu Phi không ổn định; tình hình thiên tai lũ lụt, động đất xảy ra ở nhiều nước cũng gây tác động xấu tới thị trường thép thế giới.

Ở trong nước, do tình hình lạm phát tăng cao bất thường buộc Chính phủ phải áp dụng nhiều biện pháp kiềm chế lạm phát, đặc biệt là chính sách thắt chặt tín dụng của ngân hàng đối với các dự án bất động sản đã gây ra tình trạng đóng băng cho nhiều dự án hoặc kéo dài tiến độ, dẫn tới tiêu thụ thép giảm dần trong nửa đầu năm 2011.

Một lý do khác ảnh hưởng đến ngành thép là do tình hình cung vượt cầu, đặc biệt trong ngành sản xuất thép xây dựng những tháng gần đây đã làm cho nhiều nhà máy phải ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng (chỉ vận hành 50- 60% công suất) do không bán được hàng, lượng thép thành phẩm tồn kho trong nhà máy tăng cao, chi phí trả lãi vay ngân hàng làm cho sản phẩm tồn kho mỗi tháng phải trừ từ 200.000 – 300.000 đồng/tấn, trong khi giá bán thép không tăng do tiêu thụ chậm.

Để khắc phục những tồn tại này, Hiệp hội thép đã có giải pháp gì để giúp cho các DN thép tháo gỡ khó khăn?

Hiệp hội thép đã có 6 kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan quản lý những vấn đề cần giải quyết của ngành thép trong những tháng cuối năm 2011. Trong đó, vấn đề được ưu tiên hàng đầu và cấp bách là cần có biện pháp khuyến khích xuất khẩu các sản phẩm thép trong nước đang dư thừa sang các nước trong khu vực và thế giới. Đó là giảm thuế VAT cho sản phẩm thép xuất khẩu, ưu đãi thuế xuất khẩu, hỗ trợ cho DN thép để có nhiều cơ hội tiếp cận với thị trường xuất khẩu thép thế giới (bằng các chương trình xúc tiến thương mại). Việc đẩy mạnh xuất khẩu thép sẽ giúp cho ngành thép giải quyết lượng thép dư thừa, DN có thêm nguồn ngoại tệ để nhập nguyên liệu và sản phẩm thép trong nước chưa sản xuất được và giảm nhập siêu của Nhà nước.

Đối với các DN thép, trước những khó khăn và thách thức cần phải cơ cấu lại. Những DN không còn đủ sức cạnh tranh vì công nghệ và thiết bị lạc hậu, tiêu hao nguyên liệu và năng lượng lớn, giá thành cao sẽ buộc phải dừng sản xuất và bán lại cơ sở sản xuất cho các nhà đầu tư có tiềm năng để đầu tư đổi mới công nghệ, sản xuất mới có hiệu quả. 

Chấn chỉnh việc cấp phép đầu tư các dự án thép ở các địa phương, kiên quyết thu hồi giấy phép các dự án không có trong quy hoạch và không thực hiện các thủ tục quy định đầu tư mà Chính phủ ban hành. Tôn trọng các quy định mà Bộ Công thương đã ban hành về quy mô công suất đầu tư và các điều kiện để dự án thép phát triển bền vững.

Bên cạnh đó cần ưu tiên các dự án nhà máy thép sản xuất các sản phẩm thép Việt Nam còn phải nhập khẩu với số lượng lớn như: Thép tấm, thép cuộn cán nóng, thép chất lượng, thép chế tạo … để giảm bớt nhập siêu. 

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn tin: CL

ĐỌC THÊM