Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Chủ tịch SMC nói chuyện cạnh tranh thép

Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành thép Việt Nam mang tính cơ hội và tự phát là nhiều, chứ không nhằm tạo động lực phát triển.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (TP.HCM), cho biết, tốc độ tăng trưởng bình quân của Công ty 5 năm qua là 21%. Tuy nhiên, trong 5 năm tới, Chủ tịch SMC dự kiến mức tăng trưởng tối thiểu sẽ là 10%. Hiện tại, theo ông, SMC có sản lượng 500.000 tấn thép/năm, chiếm 17% thị trường thép phía Nam, bỏ xa đối thủ phía sau.

Vì sao ông đưa ra mức dự kiến tăng trưởng tối thiểu cho SMC từ năm 2011-2015 chỉ bằng một nửa so với 5 năm trước?

Doanh nghiệp càng lớn, thách thức tăng trưởng càng cao. Theo tôi, chiếc bánh thị trường thép vẫn phình ra mỗi năm. Mức tiêu thụ thép trên cả nước đang là 10 triệu tấn/năm, dự báo đến năm 2020-2022 sẽ là 25 triệu tấn/năm. So với các nước trong khu vực, mức này chỉ ở hạng trung.

Sở dĩ chúng tôi đưa ra mức tăng trưởng tối thiểu 10% cho chiến lược 5 năm tới bởi 10% của SMC nay đã là 50.000 tấn, một con số mơ ước của không ít doanh nghiệp kinh doanh thép trong nước hiện nay. Doanh nghiệp trong nước cần cẩn trọng trước làn sóng nhà đầu tư và kinh doanh thép ngoại đang tiến vào Việt Nam.

Theo ông, ngành thép Việt Nam nên e dè với nhà đầu tư đến từ nước nào?

Việt Nam có nhiều dự án sử dụng vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật. Trong đó, những dự án hạ tầng luôn được quy định sử dụng ít nhất 40% nguyên vật liệu của Nhật. SMC từng cung cấp thép cho nhiều dự án dùng vốn ODA như Nhà ga Sân bay Tân Sơn Nhất, cầu Bãi Cháy, cầu Cần Thơ và đều được chỉ định dùng thép Nhật. Ngày nào còn sử dụng ODA của Nhật để làm hạ tầng, chúng ta phải chấp nhận điều đó.

Tại châu Á, có 4 quốc gia và vùng lãnh thổ có nền công nghiệp thép mạnh là Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan. Ðã có nhiều nhà đầu tư kinh doanh thép của Trung Quốc và Đài Loan có mặt tại Việt Nam. Họ có nền tảng tốt và năng lực tài chính lớn hơn nhà đầu tư trong nước. Để cạnh tranh, nhà đầu tư trong nước phải có tài chính tốt. Tôi nghĩ không nên e dè nhưng cần quan tâm đến sự xuất hiện của các nhà đầu tư mới từ nước ngoài.

Việc tăng 100 tỉ đồng vốn đầu tư vừa qua của SMC cũng nằm trong chiến lược cạnh tranh với nhà đầu tư ngoại?

Áp lực đối với một doanh nghiệp lớn là không chấp nhận lùi bước trước khó khăn. Năm 2004, khi cổ phần hóa Công ty, gom hết tài sản, chúng tôi chỉ vay được 7 tỉ đồng. Thời điểm niêm yết trên thị trường chứng khoán cuối năm 2006, vốn tăng lên 60 tỉ đồng. Lúc đó, áp lực phát triển đã bắt đầu. Tháng 9 vừa rồi, chúng tôi phát hành cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ từ 146 tỉ đồng lên 246 tỉ đồng, mục đích là đầu tư thêm nhà máy và kho tại 2 khu công nghiệp Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP.HCM). Đến năm 2015, chúng tôi sẽ mở rộng xuất khẩu, dự tính sẽ chiếm ít nhất 10% tổng doanh số của Công ty.

Ông từng nói cạnh tranh là nhằm tạo động lực phát triển chứ không phải để triệt tiêu nhau như cách làm của một số nhà kinh doanh thép trong nước. Vậy để ứng phó với làn sóng đầu tư nước ngoài thì nên làm thế nào?

Cạnh tranh theo tôi nói không phải giữa doanh nghiệp nội địa với nhau mà là giữa doanh nghiệp Việt Nam với nhà kinh doanh thép các nước châu Á. Chúng ta chấp nhận cạnh tranh, chấp nhận mở cửa và trang bị tư duy sẵn sàng đối đầu. Nếu cứ sợ nước ngoài tràn vào bóp chết ngành công nghiệp thép non trẻ thì ta không lớn lên được. Thép là ngành liên thông rất mạnh, cân đối thị trường cả khu vực chứ không chỉ một quốc gia. Phải hiểu rõ điều này để có chiến lược đúng chứ không mắc sai lầm như lâu nay là chỉ cạnh tranh trong nước với nhau.

SMC đã từng đối diện với sự cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước? Đây có phải là nguyên nhân khiến thị trường thép năm nào cũng có cơn sốt giá?

Nền công nghiệp thép của mình còn bé nên tính cạnh tranh chưa cao, nhưng tương lai gần chắc chắn sẽ cạnh tranh nhiều.

SMC là doanh nghiệp kinh doanh thép lâu năm, chúng tôi có kho bãi trữ hàng nên ít gặp khó khăn, nhưng các doanh nghiệp kinh doanh thép nhỏ thường xuyên bị cạnh tranh về giá. Góc độ cạnh tranh của doanh nghiệp Việt mang tính cơ hội và tự phát nhiều. Chẳng hạn, khi thấy nhu cầu thị trường thép ống cao, doanh nghiệp đua nhau nhập; khi cung vượt cầu, họ lại sẵn sàng hạ giá thấp hơn giá nhập để tháo hàng. Điều này khiến giá cả bất ổn liên tục. Thực tế, sốt ở Việt Nam là sốt hàng hóa chứ không phải giá. Nếu có đơn vị lớn điều hành tốt, thống nhất giá cả, thông tin thị trường rõ ràng thì bất ổn sẽ được loại bỏ dần. Trong hơn 20 năm tham gia thị trường này, tôi nhận thấy có đến 15% doanh nghiệp từ bỏ kinh doanh thép vì đụng phải những kiểu cạnh tranh thiếu lành mạnh trên.

Giả sử ngành thép quy hoạch tốt thì có thay đổi được tình trạng làm giá không?

Chúng ta hay nghĩ về quy hoạch sản xuất, chưa nghĩ đến quy hoạch kinh doanh thương mại. Quy hoạch sản xuất thép có chăng đi nữa vẫn còn nặng tính bao cấp, khuôn khổ, chưa đặt lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng lên hàng đầu. Ngành thép năm nào cũng nghe nói đầu tư thừa nhà máy nhưng năm nào cũng sốt. Có năm sốt đến 3-4 lần. Như vậy là quy hoạch tốt trên lý thuyết nhưng thực tế lại không đúng.

Như đã nói, ngành thép mang tính liên vùng nên đừng ngại làm ra không ai mua, SMC vẫn thường nhập rồi xuất sang nước thứ 3 đó thôi. Nếu có sẵn hàng trong nước, các nhà cung cấp sẽ chủ động hơn. Theo tôi, cơ cấu hàng hóa nên thừa để gia tăng cạnh tranh. Cạnh tranh sẽ giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng và ổn định giá.

Năm 2008, ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhiều doanh nghiệp vật liệu xây dựng chết vì trữ thép số lượng lớn. Thời điểm đó, SMC cũng bán tháo thép với giá rẻ?

Tôi nhớ không nhầm năm đó SMC tồn khoảng 35.000 tấn thép xây dựng và phải bán giá thấp, lỗ khoảng 1 tỉ đồng. Rút kinh nghiệm, nay chúng tôi dự trữ một lượng hợp lý và luân chuyển thường xuyên. Quan trọng là phải có thị phần, nếu thị phần không lớn, chiến lược cỡ nào cũng khó trụ vững. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh thép năm 2008 phá sản do thị phần thấp, tham vọng lớn, lại trữ hàng nhiều.

Ông có dự báo gì về thị trường thép cuối năm? Doanh thu của SMC có đạt kế hoạch không?

Thị trường thép quý IV sẽ không có cơn sốt nào. Còn về SMC, dựa vào thị phần ổn định, kế hoạch doanh thu năm 2010 là 5.500 tỉ đồng, nhưng chúng tôi hy vọng sẽ vượt chỉ tiêu, đạt 6.000 tỉ đồng. Doanh thu năm 2009 của chúng tôi là 5.264 tỉ đồng, đạt đến 131,6% kế hoạch năm.

Nguồn: Vinacorp

ĐỌC THÊM