Tồn kho than của Vinacomin năm nay ước trên 13 triệu tấn, khiến tập đoàn khó cân đối tài chính cho sản xuất.
Báo cáo với Tổ công tác của Thủ tướng ngày 19/6, Tổng giám đốc Tập đoàn Than, khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) - Đặng Thanh Hải cho biết 6 tháng đầu năm 2017, tập đoàn sản xuất 19,87 triệu tấn than nguyên khai (đạt 55,2% kế hoạch năm). Trong đó có 18,3 triệu tấn là than sạch thành phẩm, bằng 54% kế hoạch. Lượng tiêu thụ của Vinacomin nửa đầu năm là 18,03 triệu tấn, .
Than sạch tồn kho của tập đoàn hiện ở mức 9,3 triệu tấn, giảm gần 3 triệu tấn so với lượng tồn 12 triệu tấn cuối năm 2016, nhưng vẫn ở mức cao. Số tồn kho nêu trên chủ yếu là than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện, khi tháng 5/2017, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có văn bản đề nghị giảm lượng than mua xuống còn 17,92 triệu tấn, giảm 2 triệu tấn so với kế hoạch để mua than của 2 đơn vị ngoài Tổng công ty than Đông Bắc.
Chủ tịch Vinacomin Lê Minh Chuẩn lo lắng tập đoàn khó cân đối nguồn tài
chính nếu lượng than tồn kho tăng cao trong năm nay.Ảnh: Nhật Bắc
Ông Lê Minh Chuẩn – Chủ tịch Vinacomin cho hay, mức tồn than 9,3 triệu tấn của ngành than đã vượt qua định mức 1-2 triệu tấn. Nếu con số này tăng lên nữa thì cân đối tài chính của tập đoàn sẽ rất khó khăn. Chủ tịch Vinacomin tính toán, với 2 triệu tấn EVN đang không muốn mua từ tập đoàn, cộng thêm 2 triệu tấn sản xuất tăng để đảm bảo tăng trưởng GDP 6,7% năm nay theo chỉ đạo của Thủ tướng, tổng mức tồn kho của Vinacomin trên 13 triệu tấn. “Với mức tồn kho lớn như vậy, tập đoàn không thể cân đối được về mặt tài chính", ông Chuẩn lo lắng.
Riêng việc EVN ngừng mua 2 triệu tấn than của Vinacomin, Chủ tịch tập đoàn cho hay có thể khiến 4.000 lao động của tập đoàn này mất việc làm, tương đương với một mỏ than hầm lò bị đóng cửa.
Do vậy, lãnh đạo Vinacomin đề nghị Chính phủ chỉ đạo EVN và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) không giảm mua than trong năm nay để Vinacomin ổn định sản xuất, góp phần sản xuất tăng thêm 2 triệu tấn nữa, đóng góp vào tăng GDP chung của cả nước. Từ năm 2018, nếu các tập đoàn lớn không mua than của Vinacomin, tập đoàn sẽ cân đối lại trong điều hành.
“Chúng tôi đề nghị ủng hộ than trong nước, còn giá thì theo thị trường. Quan trọng phải ưu tiên cho người Việt Nam được làm việc trên mảnh đất của mình”, Chủ tịch Vinacomin nói.
Chia sẻ với khó khăn của ngành than, song ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Tài chính đồng tình ưu tiên than trong nước, nhưng giá than trong nước đang cao hơn giá nhập khẩu thì khó cạnh tranh được. Đơn cử, giá than cám 4b nhập khẩu giá khoảng 1,5-1,6 triệu đồng một tấn, trong khi giá than cùng loại của tập đoàn cao hơn 500.000 đồng, mức 2 triệu đồng một tấn.
“Giá than trong nước phải có giá cạnh tranh ít ra phải bằng và thấp hơn nhập khẩu. Chúng ta phải ưu tiên theo nguyên tắc thị trường, đảm bảo theo đúng cam kết quốc tế về thị trường”, Thứ trưởng Bộ Tài chính lưu ý.
Lắng nghe những khó khăn của “ông lớn” ngành than, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, đây cũng là một trong số 5 nhiệm vụ Thủ tướng chỉ đạo, yêu cầu Vinacomin có giải pháp quyết liệt, thực hiện trong năm nay.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, lượng than tồn kho lớn đang là trở ngại lớn nhất quyết định tới hiệu quả sản xuất, tăng trưởng của tập đoàn. “Nếu không xử lý tốt lượng tồn than, Vinacomin sẽ chịu áp lực cạnh tranh rất lớn”, Bộ trưởng nhận xét.
Ông đề nghị Bộ Công Thương, Chủ tịch Vinacomin nghiên cứu, đề xuất giải pháp cấp bách tiêu thụ than, báo cáo Thủ tướng theo hướng không cắt giảm sản lượng tiêu thụ than 2 triệu tấn của EVN.
"Chúng ta thực hiện theo kinh tế thị trường nhưng cũng phải đảm bảo sản xuất trong nước, có trách nhiệm bảo vệ một tập đoàn lớn có truyền thống lâu đời như Vinacomin, nếu không sẽ ảnh hưởng đến 4.000 lao động tập đoàn”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói, đồng thời nhấn mạnh, lãnh đạo của Vinacomin phải cam kết giá than là theo thị trường, đảm bảo cạnh tranh với giá than nhập khẩu.
Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, ngoài yêu cầu giảm lượng than tồn kho, Thủ tướng còn giao nhiệm vụ cho Vinacomin dừng triển khai các dự án đang đầu tư dở dang, mục tiêu không làm thất thoát vốn đầu tư và đốc thúc triển khai các dự án chưa hoàn thành.
Nhiệm vụ kế tiếp, tập đoàn phải giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành. Ông đề nghị, Bộ Công Thương, Vinacomin nghiên cứu giải pháp căn cơ để bảo hộ than sản xuất trong nước. Chủ động cung cấp nguồn than cho các nhà máy nhiệt điện trong nước.
Bên cạnh đó, tập đoàn cần có giải pháp quyết liệt, phối hợp với chính quyền địa phương xử lý các điểm khai thác, vận chuyển than trái phép, than lậu. Cuối cùng là phải đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu tập đoàn, đổi mới, cổ phần hoá doanh nghiệp trực thuộc.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận xét, cách hạch toán kiểu bao cấp lâu nay của “ông lớn” ngành than đã không còn phù hợp, chưa tạo điều kiện chủ động hoạt động cho các công ty thành viên.
“Nếu vẫn giữ phương thức quản trị bao cấp giao chỉ tiêu trong tập đoàn thì không ổn. Nếu doanh nghiệp không có cách thay đổi gì nhưng tôi rất e ngại”, ông Dũng lo lắng, đồng thời đề nghị Chủ tịch Vinacomin sớm nghiên cứu giải pháp liên quan tới phân cấp, quản trị để tăng tính độc lập cho các đơn vị thành viên, đảm bảo vấn đề phát triển bền vững lâu dài của tập đoàn.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu Vinacomin phải đạt 100% kế hoạch sản lượng than, khoáng sản năm 2017 là 35,5 triệu tấn, để tăng trưởng của ngành than đóng góp 0,8 điểm vào GDP chung của cả nước.
Cùng với đó, doanh thu 2017 phải đạt 110.000 tỷ, lợi nhuận ít nhất 2.000 tỷ... “Chủ tịch, lãnh đạo tập đoàn phải đưa ra giải pháp theo từng nhóm vấn đề: khai thác thế nào, mỏ ở đâu, sản lượng khai thác ra thì chế biến ra sao để tiêu thụ. Không thể nói là làm ra bao nhiêu bán bấy nhiêu, mà phải có lượng dự trữ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chốt lại./.
Nguồn tin: VOV