Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Chưa dễ hạ lãi suất cho nền kinh tế

Chỉ còn mươi ngày nữa là đến tháng 9, thời điểm tân thống đốc Nguyễn Văn Bình tuyên bố sẽ đưa lãi suất cho vay về mức 17 – 19%.

 

 
Hạ lãi suất cho vay rõ ràng là mong ước hiện nay của toàn bộ nền kinh tế, từ cơ quan chức năng cho đến doanh nghiệp và các NHTM. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trở ngại cho quá trình này. Ảnh: Lê Quang Nhật

 

Trong tuần tới, thống đốc sẽ họp với 12 ngân hàng thương mại (NHTM) lớn nhất để bàn thảo ra một gói giải pháp đồng bộ nhằm đạt được mục tiêu này.

Cơ sở để thống đốc tin tưởng rằng việc hạ lãi suất cho vay khả thi là tính thanh khoản của hệ thống NHTM đã được cải thiện rõ rệt trong những tháng gần đây. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng theo ghi nhận của ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ổn định trong khoảng 12 – 15%/năm tuỳ kỳ hạn. Lãi suất qua đêm có thời điểm dưới 10%. Đây là mức mà thống đốc nhận định thấp hơn mức hợp lý 1%.

Sự ổn định của tính thanh khoản của hệ thống NHTM còn có thể được nhìn qua hoạt động OMO. Hơn một tháng nay, không còn vốn bơm ròng trên OMO. Tổng lượng vốn vay qua thị trường này chỉ còn 5.000 tỉ. Thị trường mở đã không còn là kênh dẫn vốn ngắn hạn của NHTM. Hoạt động này ngày càng thu hẹp sau thời gian tái cấp vốn được sử dụng. Điều này đang chứng tỏ các NHTM đã không còn thiếu vốn ngắn hạn.

Tuy nhiên, bất chấp việc thanh khoản được cải thiện, lãi suất huy động tiền đồng vẫn chưa có những thay đổi tích cực nào đáng kể. Hầu hết các NHTM tiếp tục niêm yết lãi suất huy động cho các kỳ hạn ở mức 14%. Với các khoản gửi tiền lớn, khách hàng có thể đàm phán thoả thuận với NHTM để được hưởng mức lãi suất cao từ 16 – 19%.

Tiến sĩ Lê xuân nghĩa, phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia:

Giảm lãi suất theo cách thăm dò thị trường

Giảm lãi suất không đồng nghĩa với việc nới lỏng tiền tệ, đẩy mạnh tăng trưởng cung tiền trong những tháng cuối năm. Cung tiền ra bao nhiêu còn phụ thuộc vào diễn biến của thị trường và tính toán của Chính phủ và ngân hàng Nhà nước, nhưng chắc chắn tăng trưởng cung tiền 15%, tăng trưởng tín dụng 20% sẽ là trần cao nhất.

Tuy nhiên, ngân hàng Nhà nước chỉ sẽ giảm lãi suất từ 1 – 2% trong tháng 9 nhằm thăm dò phản ứng thị trường. Nếu tích cực thì sẽ giảm tiếp, còn không thì vẫn còn đường rút. Ngân hàng Nhà nước cũng phải làm tốt vai trò điều tiết vốn trên thị trường mở để điều hoà vốn giữa các ngân hàng.

Một dư địa nữa cần phải tính đến để hỗ trợ cho mục tiêu giảm lãi suất đó là bộ Tài chính nên bớt huy động trái phiếu chính phủ. Thực chất, mục tiêu của trái phiếu chính phủ là lành mạnh. Tuy nhiên, vào thời điểm vốn trên thị trường đang căng thẳng như hiện nay thì tác động từ việc huy động trái phiếu chính phủ sẽ tác động không nhỏ tới tình trạng lãi suất trong khu vực tín dụng.

MINH HUỆ GHI

Vì lãi suất huy động vẫn còn cao nên mới chỉ lác đác vài ngân hàng đưa ra tín hiệu hạ lãi suất cho vay. Cụ thể, ACB, một trong những NHTM hàng đầu Việt Nam, cho biết vừa triển khai gói tín dụng ưu đãi 2.000 tỉ đồng với lãi suất 19,5% cho doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp lớn. VietABank cũng cho biết sẽ giảm lãi suất và mức thấp nhất dự tính khoảng 19%/năm. Hay như ABBank vừa công bố giảm 1,5% lãi suất so với mức hiện hành dùng cho gói Youshop và Youshopplus kéo dài cho đến cuối năm.

NHNN có thể đưa ra biện pháp nào?

Nhìn về tổng thể, các ngân hàng đều nhận thức được việc cần phải hạ lãi suất để cho vay ra. Tín dụng đóng góp lợi nhuận nhiều nhất cho các ngân hàng. Trong bảy tháng đầu năm 2011 tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ khoảng 7% so với chỉ tiêu 20%. Để có thể đẩy mạnh được tín dụng, đã đến lúc NHTM phải tính đến việc chia sẻ những gánh nặng với doanh nghiệp. Mức lãi suất quá cao thời gian trước đã khiến các doanh nghiệp làm ăn khó khăn và không muốn vay ngân hàng. Nếu nhiều doanh nghiệp trễ hẹn trả gốc và lãi vay thì đến lượt ngân hàng ghi nhận nợ xấu và không có đầu ra. NHTM cũng khó đứng vững.

Vì thế, biện pháp đầu tiên mà NHNN có thể đưa ra trong cuộc họp với 12 NHTM lớn trong tuần tới là yêu cầu các NHTM cam kết cùng nhau giảm lãi suất huy động. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ các lần cam kết lãi suất trần trước đây cho thấy biện pháp này sẽ khó thành hiện thực nếu như các NHTM không thể huy động được vốn với lãi suất thấp.

Biện pháp thứ hai mà NHNN có thể tính đến là tăng cường tính liên thông giữa thị trường 1 và thị trường 2. Hiện tại NHNN quy định các NHTM phải giữ lại 20% vốn huy động để đảm bảo thanh khoản. 20% vốn huy động này chỉ được phép đầu tư vào trái phiếu chính phủ hoặc cho vay trên thị trường liên ngân hàng. Vì một lượng lớn vốn ứ đọng trên thị trường 2 nên mặc dù lãi suất trên thị trường này đã hạ nhiệt nhưng lãi suất huy động thì vẫn không có nhiều thay đổi. Có thể NHNN sẽ bãi bỏ quy định này hoặc giảm bớt tỷ lệ vốn huy động phải giữ lại. Khi đó lượng vốn các NHTM có thể cho doanh nghiệp vay sẽ tăng và lãi suất cho vay có nhiều khả năng sẽ giảm.

Biện pháp thứ ba là xoá bỏ cào bằng giới hạn tăng trưởng tín dụng 20% cho tất cả các ngân hàng. Chính sách hiện nay khiến những NHTM dư thừa vốn và tăng trưởng đủ 20% sẽ không thể cung ứng vốn cho nền kinh tế thêm nữa. Trong khi các NHTM thiếu vốn sẽ phải huy động từ thị trường dân cư hoặc liên ngân hàng với lãi suất cao và cho vay ra với lãi suất cao. Việc một số NHTM buộc phải huy động với lãi suất cao sẽ gây căng thẳng cho mặt bằng lãi suất chung của thị trường.

Một biện pháp nữa mà NHTM có thể tính đến trong thời gian tới là cho phép sát nhập một số NHTM nhỏ lại với nhau hoặc với các NHTM lớn để làm lành mạnh hoá hệ thống tài chính. Rõ ràng hiện tượng thiếu vốn cục bộ diễn ra chủ yếu ở các NHTM nhỏ. Các NHTM này thường không đủ sức chống đỡ trước những bất ổn kinh tế và thay đổi của chính sách tiền tệ. Khi NHNN thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ, các NHTM nhỏ đã không đủ vốn và phải đi vay hoặc huy động với lãi suất cao làm thị trường tiền tệ bất ổn, tạo ra dòng vốn lòng vòng trong hệ thống tài chính.

Còn nhiều cản trở việc hạ lãi suất cho vay

Hạ lãi suất cho vay rõ ràng là mong ước hiện nay của toàn bộ nền kinh tế, từ cơ quan chức năng cho đến doanh nghiệp và các NHTM. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trở ngại cho quá trình này ngay cả khi NHNN tiến hành các giải pháp trên.

Cản trở mới nhất là việc S&P hạ xếp hạng tín dụng dài hạn đồng nội tệ của Việt Nam khiến tiền đồng trở nên kém hấp dẫn. Dòng vốn đầu tư chảy vào Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi xếp hạng “BB-” phản ánh hệ thống tài chính của Việt Nam đang yếu hơn về khả năng chống đỡ trước các cú sốc kinh tế. Kết quả này ảnh hưởng trực tiếp lên khả năng huy động vốn của hệ thống tài chính Việt Nam và Chính phủ Việt Nam. Lãi suất thường phải tăng cao để hấp dẫn với các nhà đầu tư do tính rủi ro gia tăng.

Chỉ số giá tiêu dùng vẫn là rào cản lớn nhất với việc hạ lãi suất trong thời gian tới. Tính cho đến hết tháng 7 thì CPI đã tăng tới 14,61% so với tháng 12/2010 và tăng 22,16% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo tháng 8 CPI cũng không có sự chuyển mình rõ rệt do nhiều thành phố đã công bố mức tăng giá tiêu dùng. Do đó để có thể hấp dẫn người gửi tiền thì lãi suất huy động khó có thể giảm đáng kể được so với mức lãi suất huy động hiện nay.

Bài toán đánh đổi giữa lãi suất và tỷ giá cũng cần phải xem xét. Lãi suất luôn thể hiện cho mức sinh lời của mỗi đồng tiền. Việc hạ lãi suất tiền VND sẽ làm cho mức sinh lời của tiền đồng kém đi một cách tương đối so với tiền USD. Trong khi lãi suất huy động USD đang tăng vượt trần và các NHTM căng thẳng về tiền USD thì động thái hạ lãi suất VND sẽ khiến người dân ưa chuộng USD hơn. Tỷ giá USD/VND sẽ tăng lên nếu ngày càng nhiều người muốn nắm giữ USD. Với mục tiêu bình ổn cả lãi suất và tỷ giá thì đây rõ ràng là một mục tiêu không dễ.

Nguồn tin: SGTT.VN

 


  

ĐỌC THÊM