Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Chưa đến lúc thắt chặt tín dụng

Thật đáng ngạc nhiên khi Ngân hàng Nhà nước muốn thắt chặt tín dụng từ đầu năm đến nay, khi mà kinh tế thế giới và Việt Nam chưa phục hồi rõ nét, trong bối cảnh lãi suất cơ bản (LSCB) của Ngân hàng Trung ương Mỹ vẫn giữ (LSCB) trong khoảng 0-25% và các nước châu Âu chưa dám nâng lãi suất.

Nếu như năm 2009, Việt Nam có sự hỗ trợ vốn vay để giữ lãi suất cho vay ở mức 4% đã kích thích kinh tế khá ngoạn mục, thì bây giờ lãi suất đi đã lên đến trên 11%. Có người lập luận, cần giữ nhịp tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5% và lạm phát ở mức 8%. Nhưng mục tiêu tăng trưởng và lạm phát ít khi đi đôi và phát triển hài hoà. Tức là ta chỉ có thể chọn một trong hai, chứ không thể vừa muốn phát triển mạnh, vừa muốn lạm phát thấp.

Khi kinh tế rơi vào suy thoái, cần thiết phải thúc đẩy đầu tư và giải quyết nạn thất nghiệp để lấy lại đà tăng trưởng, với công cụ chủ đạo là lãi suất. Đó là lý do tại sao các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Nhật Bản và châu Âu chưa dám nâng LSCB. Có quan điểm cho rằng, nếu nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ làm cho nguồn tiền đổ vào TTCK và bất động sản (BĐS), chứ không được đưa vào kinh doanh. Tôi thì cho rằng, điều này chỉ đúng một phần, chứ không phải là tất cả.

Nhìn về kinh tế Việt Nam từ đầu năm đến nay, chúng ta thấy rõ là chứng khoán được bán gần như "đại hạ giá" so với giá trị thực ở nhiều DN. BĐS thì gần như đóng băng ở nhiều nơi trên phạm vi toàn quốc.

Thực tế thì các nước mong muốn hai thị trường này lấy lại đà phục hồi, vì khi đó sẽ kéo theo guồng máy kinh tế và làm động lực cho các ngành khác. Cứ nhìn vào chính sách kinh tế Mỹ thì rõ. Tôi thấy, người dân Mỹ cũng như chính phủ đều mong mỏi TTCK và BĐS phục hồi sớm và không phải ngẫu nhiên mà chỉ số lòng tin người tiêu dùng có mối tương quan với đà tăng giảm của hai thị trường này. Chứng khoán và BĐS phát triển không có gì là tai hại, trừ khi nó trở thành bong bóng. Nếu ta biết cách quản lý thì bong bong sẽ không xảy ra hoặc nếu có thì ta vẫn kiềm chế được. Chẳng hạn, Trung Quốc kiểm soát lãi suất và chính sách cho vay BĐS khi có hiện tượng bong bóng hoặc Mỹ đưa ra Luật cải cách thị trường tài chính để vá lỗ hổng trước đây.

Nếu thắt chặt tín dụng sẽ "bóp chết" động lực tăng trưởng, làm tăng tỷ lệ thất nghiệp (do DN khó vay vốn hơn, phải trả lãi vay cao hơn), giảm đà tăng trưởng kinh tế, có thể gây ra giảm phát. Chúng ta chọn chính sách nào? Tăng trưởng cao, lạm phát cao tương đối, thất nghiệp thấp hay là tăng trưởng thấp, lạm phát thấp, thất nghiệp cao? Không có chính sách chọn cả hai.

Thông tư 13/2010/TT-NHNN đang gây nhiều tranh cãi thuộc về loại "thắt chặt tín dụng". Đối với hệ thống ngân hàng hiện nay, theo tôi thì những ngân hàng nhỏ không trụ được sẽ phải tự sáp nhập hoặc phá sản, chứ không nên "cào bằng" chính sách cho mọi ngân hàng, tránh việc tăng vốn đồng loạt và tức thời, dẫn đến "bội thực" nguồn cung và gây áp lực nguồn vốn lên xã hội dồn vào một mối. Nếu như tăng vốn mà không giải quyết được đầu ra, đầu tư không hiệu quả, tín dụng bị thắt chặt thì hiệu quả sử dụng vốn thấp, sẽ chẳng có lợi cho nền kinh tế hay NĐT. Do đó, Việt Nam nên có chính sách nới lỏng kinh tế lúc này.

Tháng 8 vừa rồi lạm phát chỉ có 0,23%, có đáng phải lo sợ tới mức thắt chặt tín dụng? Về phía các ngân hàng hay các DN, nếu đã "lỡ" tăng vốn mà chưa tìm đuợc đầu ra hoăc chưa có dự án hiệu quả thì nên mua lại cổ phiếu của chính mình, nhằm giảm áp lực lợi nhuận với cổ đông, tăng EPS, giảm P/E, giữ được giá cổ phiếu, làm tăng tích hấp dẫn của cổ phiếu và có khả năng thu lợi khi TTCK phục hồi. Đây cũng là cách tạo dựng niềm tin cho NĐT vào DN và sẽ có nhiều thuận lợi khi huy động vốn trong tương lai.

Nguồn: ĐTCK

ĐỌC THÊM