Việt Nam có tiềm năng để đạt các mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2019, tuy nhiên, cần sự nỗ lực lớn trong cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, sau khi đánh giá tình hình phát triển kinh tế 2018, Chính phủ đã đưa kế hoạch phát triển kinh tế năm 2019. Theo đó, về mục tiêu tổng quát trong phát triển kinh tế 2019 là tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế ổn định kết hợp với những chuyển biến tích cực về đời sống văn hóa, xã hội, nâng cao thu nhập của người dân chính là mục tiêu lâu dài để phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Các chỉ tiêu cơ bản trong phát triển kinh tế năm 2019 đã được Chính phủ đề xuất bao gồm: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6 - 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP.
Việt Nam có tiềm năng và dư địa để đạt các mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 (Ảnh minh hoạ:KT)
Nhiều dư địa để tăng trưởng
Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế - giá cả (Bộ Tài chính), các chỉ tiêu mà Chính phủ đề ra là khả thi. Chỉ số giá tiêu dùng khoảng 4% là mục tiêu hoàn toàn có thể đạt được. Tuy nhiên, về tăng trưởng GDP, TS. Nguyễn Đức Độ lưu ý, mức tăng trưởng này còn phụ thuộc vào tình hình biến động của kinh tế thế giới.
“Nếu kinh tế thế giới tương đối ổn định như năm 2018 thì mục tiêu tăng trưởng GDP 6,6-6,8% có thể đạt được, nhưng nếu kinh tế thế giới kém đi thì việc đạt được kết quả này là khó khăn”, ông Độ nhận định.
Còn theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, các chỉ tiêu kinh tế Quốc hội đặt ra khá cao, đòi hỏi sự phấn đấu rất toàn diện mới có thể đạt được, bởi so với môi trường kinh doanh trên thế giới và trong nước, tình hình đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Ông Doanh cho rằng, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã làm thay đổi hẳn tình hình xuất nhập khẩu và thương mại quốc tế, khiến nhà đầu tư nước ngoài trở nên dè dặt hơn. Bên cạnh đó, hiện quan hệ giữa Mỹ và Iran rất căng thẳng, nên giá dầu có thể giảm nếu Arab Saudi tiếp tục tăng sản lượng; tuy nhiên, giá dầu cũng có thể tăng lên nếu tình hình Iran căng thẳng.
Theo TS Lê Đăng Doanh, thời gian tới, tình hình kinh tế thế giới có thể biến động, rất khó dự đoán. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có tiềm năng và dư địa để đạt mục tiêu tăng trưởng mà Chính phủ đặt ra trong năm 2019, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và xuất khẩu.
“Hiện ngay cả Mỹ cũng không dự báo được tình hình xuất khẩu như thế nào, tình hình kinh tế Mỹ cũng có thể sẽ khó khăn hơn với cuộc chiến tranh Mỹ-Trung này, nên việc Việt Nam có thể xuất khẩu sang Mỹ, sang Châu Âu không đòi hỏi nỗ lực rất lớn của cả phía doanh nghiệp và Chính phủ. Cần tăng cường các cải cách trong nước để giảm bớt những khoản chi tiêu phi chính thức, giảm bớt các phiền hà; đặc biệt, đẩy mạnh việc thực hiện dự án Chính phủ điện tử để tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân”, TS Lê Đăng Doanh đề xuất.
Nguồn tin: VOV