Hội nhập quốc tế, nhập khẩu và xuất khẩu trở thành hoạt động thông thường. Ngành sắt thép của Việt Nam đang nằm trong "sân chơi” như vậy. Tuy nhiên ngành sắt thép đang tự gây ra tình trạng không bình thường, gây hại cho nền kinh tế: nhập khẩu áp đảo xuất khẩu. |
Không phải bây giờ mà từ các năm trước, Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất sắt thép cung vượt cầu. Thị trường bất động sản giảm mạnh, nhu cầu tiêu thụ suy yếu, tạo ra bất lợi cho việc giải quyết đầu ra của ngành sắt thép. Tăng cường khơi thông đầu ra trở thành đòi hỏi nóng bỏng, mang tính cạnh tranh quyết liệt của ngành sắt thép. Đến hết tháng 11, toàn ngành sắt thép xuất khẩu được 2 triệu tấn với tổng giá trị đạt hơn 1,6 tỉ USD, so cùng kì năm ngoái tăng 17%. Với những khó khăn đang phát sinh trên thị trường (kể cả trong nước và thị trường thế giới) xuất khẩu sắt thép đạt mức nói trên là nỗ lực không nhỏ, rất đáng ghi nhận thành tích ấy. Sẽ là phiến diện, thậm chí là sai lầm, nếu chỉ đề cập xuất khẩu mà không nói đến nhập khẩu của ngành sắt thép. Tính đến cuối quý 4/2013, ngành sắt thép xuất khẩu được 2 triệu tấn, ngược lại nhập khẩu mặt hàng này lên đến gần 9 triệu tấn. Tổng công suất toàn ngành tạo ra nguồn cung vượt cầu, thế nhưng lượng sắt thép nhập khẩu không những không giảm mà còn tăng mạnh, chỉ số nhập khẩu gấp hơn 4 lần xuất khẩu. Đành rằng không thể dùng biện pháp hành chính để cấm nhập khẩu sắt thép nhưng làm ăn kiểu đó thì khác nào góp phần "giết chết” sản xuất sắt thép trong nước, gây nên tình trạng nhập siêu ở mức khủng. Đến cuối quý 4, ngành này nhập siêu gần 5 tỉ USD, trở thành 1 trong những ngành hàng "dẫn đầu” mức nhập siêu. Việt Nam nhập khẩu sắt thép chủ yếu từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia. Trung Quốc luôn luôn chiếm vị trí số 1 xuất khẩu sắt thép sang Việt Nam. Để hạn chế nhập khẩu sắt thép, gần đây ngành thép áp dụng biện pháp kĩ thuật phù hợp quy định của WTO (tăng mức thuế nhập khẩu khi có đủ điều kiện khẳng định đối tác bán phá giá). Biện pháp này vừa mới "rục rịch” thực hiện, gặp phải 2 luồng ý kiến trái ngược: các nhà máy sản xuất sắt thép đồng tình ủng hộ, một số doanh nghiệp nhập khẩu cũng như sử dụng thép không gỉ có nguồn gốc nhập khẩu lại không tán thành, thậm chí là phản đối. Cung vượt cầu nhưng nhập khẩu sắt thép với số lượng gấp hơn 4 lần xuất khẩu. Không thể giải quyết vấn đề này bằng kêu gọi, vận động. Hiện trạng đó chỉ có thể được giải quyết dựa trên quy định của WTO và coi trọng trước hết lợi ích chung của nền kinh tế. |
Nguồn: Đại đoàn kết