90% các NHTM đổ vốn nuôi con nợ thì đều mất hết cả tiền cũ lẫn tiền mới.
Không phải là giải pháp tốt
Tiếp tục bàn luận về đề xuất góp vốn, mua cổ phần của các tổ chức tín dụng, trong đó có phần liên quan đến hoán đổi nợ xấu thành vốn góp cổ phần của dự thảo mới được Ngân hàng nhà nước đưa ra lấy ý kiến, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu thẳng thắn cho rằng đó không phải là giải tốt.
Không thể xử lý nợ xấu bằng phương pháp hoán đổi nợ xấu thành cổ phần. Ảnh minh họa
Vị chuyên gia phân tích, chủ trương hoán đổi nợ xấu của doanh nghiệp thành cổ phần cho NHTM tại doanh nghiệp đó cũng có nghĩa Ngân hàng nhà nước bắt buộc NHTM đó phải trở thành ông chủ đồng thời cũng phải tham gia vào các hoạt động điều hành, quản lý doanh nghiệp đó.
Việc này không khác nào đánh đố các NHTM. NHTM là một định chế tài chính rất đặc thù, họ chỉ là những người đi buôn tiền, không có khả năng bán sản phẩm, cũng không có năng lực để sản xuất ra sản phẩm. Trong khi các doanh nghiệp thường kinh doanh nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề khác nhau, chức năng quản lý cũng phức tạp, khó khăn hơn rất nhiều. Như vậy, nếu trở thành cổ đông của doanh nghiệp đó, các NHTM phải đảm bảo có thể điều hành, quản lý, vận hành được doanh nghiệp đó. Điều này là không tưởng vì nó vừa trái với chuyên môn, nghiệp vụ vừa sai nguyên tắc.
Trong một giới hạn nào đó, TS Hiếu cho rằng, NHTM có thể trở thành cổ đông, trở thành ông chủ của con nợ khi họ có đủ hiểu biết, đủ năng lực quản trị, đủ tư duy nhạy bén nhưng ông vẫn khẳng định không ủng hộ xử lý nợ xấu theo cách này.
"Trong quá khứ, tôi đã chứng kiến rất nhiều trường hợp cũng thực hiện phương pháp xử lý nợ xấu như vậy nhưng có tới 90% các NHTM đổ vốn nuôi con nợ thì đều mất hết cả tiền cũ lẫn tiền mới. Tôi chưa từng thấy một NHTM đi đầu tư sản xuất xi măng, sắt thép, bán gạo... mà thành công. Đó không phải nghề của họ.
Tôi lấy ví dụ một ngân hàng mà tôi biết, cũng đã hoán đổi nợ xấu thành vốn góp cho một công ty dược phẩm. Cuối cùng, không những không thể thu hồi được nợ mà ngân hàng đó còn rơi vào cảnh thua lỗ đau đớn. Muốn phục hồi một doanh nghiệp đang mang nợ không thể trả, ngoài khoản vốn góp bằng nợ xấu các NHTM phải tiếp tục đổ thêm vốn vào doanh nghiệp đó. Tuy nhiên, đa phần những doanh nghiệp có nợ xấu thuộc nhóm 5 đều là những doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả. Vì thế, việc các ngân hàng tay ngang sa chân vào đây sẽ như sa vào một cái bẫy", TS Nguyễn Trí Hiếu nêu dẫn chứng.
Phân tích tiếp ông Hiếu cho rằng, chủ trương này rất khó nhận được sự đồng thuận từ các NHTM. Một vài trường hợp nào đó nếu có ủng hộ cũng vì không còn cách nào để xử lý nợ xấu hoặc có thể họ vẫn đang nuôi hy vọng khi đổ thêm vốn vào con nợ, doanh nghiệp sẽ phục hồi, họ sẽ thu được vốn. Tuy nhiên, vị chuyên gia vẫn nhấn mạnh "tôi chưa từng thấy một ngân hàng nào thành công bằng phương pháp xử lý nợ xấu theo cách đó".
Bàn về vấn đề này, PGS.TS Lê Cao Đoàn - Viện kinh tế Việt Nam cũng cho rằng không thể xử lý được nợ xấu theo cách đó. Ông Đoàn cho hay, nguyên nhân dẫn tới nợ nần tại các doanh nghiệp nhất là các DNNN là do thiếu tư duy chiến lược, thiếu tầm nhìn và đặc biệt là do mô thức phát triển kinh tế không phù hợp nên hiệu quả cả nền kinh tế không có. Khi nền kinh tế hoạt động không hiệu quả thì các doanh nghiệp cũng không hiệu quả.
Từ những mắc mớ như vậy mới dẫn tới nợ nần tại các doanh nghiệp này. Nợ chồng nợ thành nợ xấu không thể trả. Do đó, khi nền kinh tế không được phục hồi việc mua đi đổi lại nợ xấu chỉ là cách nói cho hay, là cách kéo dài tuổi thọ cho các doanh nghiệp này chứ không thể làm sạch được nợ xấu.
Nguồn tin: Đất việt