Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Cơ hội bảo vệ sản phẩm nội

Bộ Công Thương vừa ra quyết định áp thuế chống bán phá giá thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan. Đây là kết quả của hơn 1 năm điều tra sau khi nhận được đơn khởi kiện và lần đầu tiên Việt Nam áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. ĐTTC đã trao đổi với bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hội đồng tư vấn về phòng vệ thương mại quốc tế của VCCI, về sự kiện này.

- Thưa bà, tại sao đến lúc này chúng ta mới sử dụng công cụ phòng vệ thương mại?

Bà ĐINH THỊ MỸ LOAN: - Các biện pháp phòng vệ thương mại gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp là công cụ rất hiệu quả đã được sử dụng nhiều trong thương mại quốc tế. Tất nhiên, về mặt kỹ thuật và pháp luật đây là vấn đề không đơn giản và phải có sự cân nhắc rất kỹ, nhiều chiều các bên.

Do chúng ta chưa thật đầy đủ nên trong thời gian dài chưa thể áp dụng được. Tôi rất vui mừng ở thời điểm này, nhận thức của cộng đồng DN, các hiệp hội ngành hàng và sự chuẩn bị của các cơ quan nhà nước đã được nâng cao và có cách nhìn toàn diện hơn. Tôi nghĩ thời gian tới các vụ kiện để sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ một cách chính đáng ngành sản xuất trong nước, nền kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ có nhiều hơn.

Khi sử dụng công cụ phòng vệ thương mại, đương nhiên bên cạnh mặt tích cực cũng sẽ có mặt trái của vấn đề nên khi sử dụng sẽ phải rất cân nhắc. Bởi trong các vụ kiện chống bán phá giá bao giờ cũng phải cân nhắc giữa việc bảo vệ một ngành sản xuất cụ thể với quyền lợi chung của người tiêu dùng, nền kinh tế trên cơ sở quy định pháp luật về chống bán phá giá.

- Vậy công cụ phòng vệ thương mại phải được sử dụng như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất?

- Các biện pháp tự vệ ngày nay đã trở nên quen thuộc đối với cộng đồng DN và các ngành hàng. Chúng ta không chỉ tham gia một cách tích cực vào các vụ kiện, kháng kiện nước ngoài khởi kiện, mà qua đó cộng đồng DN và các ngành hàng đã nâng tầm hiểu biết của mình trong việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước.

Với nhận thức như vậy, sắp tới các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ được DN, cộng đồng DN, các ngành hàng sử dụng tốt hơn để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, tránh việc cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu, gây thiệt hại cho ngành sản xuất, nền kinh tế trong nước. Tôi cho rằng hiện giờ là thời cơ chín muồi để sử dụng các công cụ này bảo vệ DN trong nước.

Trong xu thế ngày càng hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế, biện pháp mà chúng ta có thể ngăn cản hàng nhập khẩu cạnh tranh không lành mạnh là thuế quan hay các rào cản thương mại. Các công cụ này đều cần được sử dụng những lúc cần thiết. Đặc biệt công cụ phòng vệ thương mại sẽ rất phát huy hiệu quả khi chúng ta biết cách sử dụng nó đúng lúc.

Hiện nay chúng ta thấy nhiều nước vừa khởi kiện nước khác, đồng thời cũng bị nhiều quốc gia khác khởi kiện lại. Chúng ta phải nhìn thực tế đó, đối mặt với nó và biết cách sử dụng các công cụ đó để bảo vệ ngành sản xuất nội địa một cách chính đáng.

 

Sản xuất thép.

 

- Bà có khuyến cáo gì với DN, cơ quan quản lý nhà nước?

- Hiện nay các nước hay khởi kiện các mặt hàng như sắt thép, điện và điện tử - những mặt hàng không xa lạ đối với chúng ta. Bởi các ngành sản xuất nước ta cũng nằm trong nhóm những sản phẩm thường hay bị kiện. Vì thế, DN có hàng xuất khẩu bị kiện, ngoài việc đấu tranh về những phi lý chủ kiện đưa ra, cũng không nên e ngại trong việc khởi kiện các nước đưa hàng nhập khẩu đó vào Việt Nam, gây ảnh hưởng đến sản xuất nội địa.

Để thực hiện tốt việc này, DN nên tập hợp thông tin từ hải quan và các nguồn khác. Cái khó hiện nay là số liệu một số cơ quan có khác nhau. Điều này sẽ khó cho DN mỗi khi cần số liệu khởi kiện, kháng kiện. Do đó, dù muộn hơn không là các số liệu thống kê phục vụ khởi kiện, kháng kiện cần phải cải thiện để cung cấp đầy đủ, chi tiết cho cơ quan quản lý, DN và hiệp hội ngành hàng.

- Xin cảm ơn bà.

 

Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Thép Việt:

Chính phủ phải bảo vệ sản xuất trong nước

Đặc điểm chung của thế giới hiện nay, ngay cả với những nước tự do mậu dịch lớn như Hoa Kỳ cũng có những chính sách bảo hộ DN nội địa rất cao, vì với họ những nhà sản xuất trong nước chính là tương lai của đất nước. Bằng chứng có thể thấy là thời gian qua hàng hóa của Việt Nam xuất sang nhiều nước kể cả trong khu vực Đông Nam Á bị đánh thuế chống bán phá giá khá nhiều. Bảo vệ sản xuất trong nước chính là nhiệm vụ của Chính phủ.

Các cơ quan quản lý thường có khuynh hướng cho rằng DN phải nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo tôi, điều này hoàn toàn không đúng vì khi DN, nhất là khối tư nhân tham gia vào thương trường họ phải suy nghĩ làm sao để tồn tại và phát triển, biết phải làm gì để tự vươn lên và các quan chức không cần nhắc nhở điều này.

Theo tôi, 2 trong nhiều nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ là tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và bảo vệ sản xuất trong nước. Chúng ta nên học hỏi các nước trong khu vực và trên thế giới. Mới đây, Bộ Công Thương đã có quyết định đúng đắn để bảo vệ thép không gỉ trong nước. Ngành thép kỳ vọng Bộ Công Thương có những thay đổi mạnh mẽ hơn nữa, chậm còn hơn không.

Ông Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội VLXD:

Lĩnh vực VLXD rất cần áp thuế chống bán phá giá

Việc Việt Nam áp thuế bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ từ ngày 5-10-2014 đã mở ra một cơ hội mới cho ngành vật liệu xây dựng (VLXD), nơi nhiều DN luôn cầu cứu vì chịu sự cạnh tranh không lành mạnh từ các đối thủ đến từ nước ngoài. Bởi thực tế thời gian qua, do không có những công cụ thật sự hữu hiệu, kể cả việc áp dụng Pháp lệnh chống bán phá giá, Pháp lệnh về quyền tự vệ đã ban hành khi tham gia WTO, chỉ tính riêng trong lĩnh vực VLXD, đã không ít lần các DN tỏ ra bức xúc khi VLXD trong nước đấu không lại với VLXD giá rẻ đến từ nước ngoài như thép, gạch...

Bản thân Hiệp hội VLXD Việt Nam cũng đã từng nhiều lần gửi văn bản kiến nghị, trong đó nhấn mạnh, Việt Nam cần lập hàng rào kỹ thuật cũng như các chính sách về thuế để có thể hỗ trợ DN trong nước kinh doanh một cách công bằng, lành mạnh.

Chính sự chậm trễ trong việc thực thi các biện pháp phòng vệ thương mại trong nhiều năm qua, đã khiến nhiều DN trong nước thua trắng trên sân nhà khi không thể cạnh tranh nổi với các mặt hàng giá rẻ. Đây là một điều đáng tiếc, nên nhiều DN kỳ vọng sau sự mở màn của thép không gỉ, sẽ có nhiều mặt hàng nữa nhận được sự bảo hộ công bằng này.

Tuy nhiên, việc này nếu chỉ xuất phát từ việc DN đơn lẻ kiện rồi mới xem xét thì không triệt để. Nhà nước cần có những biện pháp căn cơ như Luật Chống bán phá giá hoặc các văn bản pháp luật có sức nặng quy định về vấn đề này, trong đó bao hàm cả việc chống các DN nhập khẩu bán phá giá và ngược lại, DN trong nước cũng phải có những cam kết kinh doanh lành mạnh.

 

Nguồn tin: ĐTTC

ĐỌC THÊM