Các DN thép trong nước cần phải không ngừng xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm của mình tại các thị trường mới |
Đến nay, Việt Nam đã mở rộng xuất khẩu sắt thép sang 26 thị trường trên thế giới. Trong đó một số sản phẩm thép tăng mạnh lượng xuất khẩu là tôn mạ kim loại và sơn phủ màu, thép hình và thép không gỉ.
Đại diện các nhà sản xuất cho biết, các DN sản xuất thép trong nước đẩy mạnh xuất khẩu để giải quyết những khó khăn về đầu ra cho sản phẩm trong bối cảnh thị trường tiêu thụ trong nước còn trầm lắng như hiện nay.
Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, năm 2013 các DN thuộc hiệp hội đã sản xuất gần 5 triệu tấn thép và tiêu thụ hơn 4,6 triệu tấn, lượng thép tồn kho còn khoảng 300.000 tấn. Dự kiến, mức tiêu thụ thép trong năm 2014 sẽ không có nhiều đột biến và chỉ tăng từ 2-3% so với năm 2013.
Thời gian tới, khi Hiệp định TPP được ký kết, các DN sản xuất và xuất khẩu thép Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn từ hiệp định này, nhất là trong hoạt động xuất khẩu. Theo các chuyên gia kinh tế, các DN thép của Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế suất giảm đáng kể để đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần tăng lượng sản phẩm tiêu thụ và giảm bớt hàng tồn kho.
Nhìn nhận về cơ hội của ngành thép khi bước vào sân chơi lớn là Hiệp định TPP, ông Nguyễn Tiến Nghi, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho rằng để đẩy mạnh xuất khẩu, các DN thép phải chú trọng đầu tư về kỹ thuật để tăng năng suất, giảm giá thành và chú trọng nâng cao chất lượng nhằm tăng khả năng cạnh tranh.
Để tăng cường xuất khẩu thép, theo ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học kĩ thuật đúc-luyện kim Việt Nam, các DN thép trong nước cần phải không ngừng xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm của mình tại các thị trường mới như Mỹ, châu Phi, Trung Đông...
Đồng thời, nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm thép. "Về phía các cơ quan Nhà nước, cần phải có chính sách thông thoáng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu", ông Cường nhấn mạnh.
Có 3 lý do Việt Nam cần tiếp tục tăng cường xuất khẩu thép.
Thứ nhất, ngành thép hiện nhập siêu lớn. Một nửa số thép trong nước chưa sản xuất được, trong đó phải nhập cả nguyên liệu cho sản xuất thép xây dựng, với mức gần 5 tỷ USD/năm. Do đó, cần phải xuất khẩu để giảm gánh nặng nhập siêu.
Thứ hai, sản xuất thép xây dựng trong nước hiện lớn gấp 2 lần nhu cầu thực. Do đó, việc xuất khẩu sẽ giúp giảm tồn kho, các nhà máy thép duy trì sản xuất.
Thứ ba, chất lượng thép trong nước ngày càng được nâng cao và đã bước đầu xây dựng được thương hiệu tại các nước trong khu vực.
Nguồn tin: Baodientu