Trung Quốc, vốn chiếm 95% thị phần nhập khẩu của Mỹ, hiện đang chịu mức thuế chống bán phá giá là 17,7-39,2% từ tháng 10/2009 và có thời hạn 5 năm.
Doanh thu xuất khẩu ống thép vào Mỹ 6 tháng qua đạt hơn 33 triệu đô la Mỹ, chiếm một nửa doanh số xuất khẩu của sản phẩm sắt thép. Mức tăng trưởng khá nhanh của ống thép khiến kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng sắt thép tăng đột biến 243%.
Ngoại trừ 2 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài là SeAH và Sun Steel đã khá mạnh ở thị trường Mỹ và châu Âu, các doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam như Hòa Phát, Việt Đức, Hữu Liên Á Châu... đang thâm nhập thị trường Mỹ, một cách thận trọng.
Vấn đề mà các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm khi vào thị trường Mỹ là yêu cầu chất lượng khắt khe của thị trường này (tiêu chuẩn API và ASTM) buộc họ phải nâng cao chất lượng sản phẩm, hiện đại hóa quy trình sản xuất. Vì vậy, chất lượng phục vụ thị trường nội địa cũng được nâng lên.
Khi các doanh nghiệp Việt Nam nhắm đến thị trường ống thép mạ phục vụ cho ngành xây dựng ở Mỹ thì các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã hướng đến thị trường cao cấp hơn là cung cấp ống thép cho các nhà máy lọc dầu trên thế giới.
Mặc dù tăng đột biến về kim ngạch nhưng ống thép Việt Nam mới chỉ chiếm chiếm hơn 1% nhu cầu nhập khẩu của Mỹ hàng năm. Tuy nhiến, nếu chiếm lĩnh thị trường đột biến lên mức 3% trong một khoảng thời gian ngắn, với giá bán thấp hơn nhiều giá bán cùng loại của các đối tác khác thì sẽ bị phía Mỹ đưa vào tầm ngắm.
Trong bài toán cạnh tranh ở thị trường Mỹ, ngoài bài toán lợi nhuận, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải cân đối với các doanh nghiệp thế giới để không rơi vào diện điều tra chống bán phá giá như Trung Quốc.
Nguồn: TBKTSG