Theo thống kê mới đây từ Bộ Công Thương, đến thời điểm này, có khoảng 100 dự án ngành thép đã được cấp phép. Nếu chỉ tính các dự án phôi thép cùng dự án cán thép có quy mô từ 100 nghìn tấn thép cán/năm trở lên, thì con số này xấp xỉ 60 dự án. Dự kiến năm 2011 sẽ có thêm 9 dự án và 4 dự án cho năm 2012, trong đó, có không ít dự án thép xây dựng, khiến cho quan hệ cung - cầu mặt hàng này ngày càng trở nên mất cân đối. Kẻ chán, người thèm Cũng theo số liệu của Hiệp hội Thép VN (VSA), đến hết quý I năm nay, công suất thiết kế của các nhà máy sản xuất phôi thép đã lên tới trên 6 triệu tấn. Thế nhưng, thực tế sản xuất chỉ đạt khoảng 3,527 triệu tấn, thừa gần 2,5 triệu tấn. Công suất lắp đặt các nhà máy cán thép (sản xuất thép xây dựng thông thường) hiện xấp xỉ 9 triệu tấn/năm, trong khi mức tiêu thụ thép năm 2010 chỉ khoảng 5,6 triệu tấn, thừa 3,4 triệu tấn. Ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch VSA cho biết, bất chấp thực tế như vậy, vẫn có những nhà đầu tư tiếp tục đầu tư vào ngành thép. Lý giải vấn đề này, ông Dương Doãn Lục - Chủ tịch HĐQT Cty gang thép Sơn La chia sẻ, sản phẩm ban đầu của nhà máy là gang và phôi thép sản xuất từ nguyên liệu quặng khai thác được tại 13 mỏ trên địa bàn tỉnh Sơn La. Tuy nhiên, Cty vẫn muốn tiếp tục sản xuất thép xây dựng. Bởi, theo ông Lục, chỉ cần đầu tư thêm một công đoạn nữa là có ngay thép thành phẩm. Với tổng mức đầu tư 600 tỉ đồng, nhà máy này sẽ hoàn tất giai đoạn 1 công suất 150.000 tấn/ năm vào quý II/2012 và của cả dây chuyền vào hoạt động năm 2013. Có lẽ ông Lục không hiểu rằng, dù chỉ “một công đoạn” như cách ông nghĩ cũng đã làm tăng lượng cung thép vốn đang dư thừa hiện nay, và chắc chắn sẽ còn thừa mứa hơn nữa khi có nhiều DN vẫn tiếp tục lao vào đầu tư xây dựng nhà máy thép. Trong khi đó, hy vọng về một sự đột phá về mức tiêu thụ thép của thị trường có lẽ là viển vông khi Chính phủ thực hiện chính sách cắt giảm đầu tư công, tạm dừng, hoãn nhiều công trình chưa thật cần thiết của khu vực DN nhà nước. Thêm vào đó, khó khăn về vốn trên thị trường bất động sản cũng là cơ sở dự báo nhu cầu thép trong thời gian tới chưa thể tăng, chưa nói là giảm mạnh. Quy hoạch theo chất lượng Thực tế hiện nay, một số dự án đã bị rút giấy phép hoặc “án binh bất động” ví dụ như: Dự án khu liên hợp thép Cà Ná - Ninh Thuận với tổng vốn đầu tư 9,8 tỉ USD, vừa được tỉnh Ninh Thuận rút giấy phép vì các đối tác trong liên doanh không có khả năng triển khai dự án. Tiếp theo là Dự án thép liên hợp Hà Tĩnh của Tập đoàn Tata - Ấn Độ liên doanh với TCty Thép VN (VSC) có quy mô dự kiến 4 - 5 triệu tấn/năm, vốn trên 3 tỉ USD hiện vẫn “giẫm chân” tại chỗ. Cũng theo đó, Dự án sản xuất thép của Tập đoàn Tycoons Steel International (Đài Loan) làm chủ đầu tư, có công suất từ 5 - 7 triệu tấn/năm, vốn đầu tư 1,5 tỉ USD được cấp phép từ tháng 9/2006 tại khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), sau nhiều lần gia hạn, dự án hiện vẫn “đắp chiếu” để đấy... Một số dự án đang phải tìm đối tác để san sẻ dự án đầu tư. Cty TNHH thép Vạn Lợi là một ví dụ khi đang phải “dốc sức” tìm kiếm cổ đông mới để chia sẻ các dự án đầu tư của mình tại Dự án đầu tư thép tại Hà Tĩnh và một số tỉnh miền núi phía Bắc.
Nguồn tin: DDDN