Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Cơ hội trục lợi từ giá thép "sốt ảo"

 
Giá thép trên thị trường trong nước "bốc hỏa" trong thời gian ngắn vừa qua một phần là do giá nguyên liệu nhập khẩu tăng. Đối tượng hưởng lợi đã rõ: nhà sản xuất; kinh doanh thép, nhưng thiệt hại do đội giá dự án; công trình thì cần cụ thể hơn chứ không thể chung chung là "người tiêu dùng", bởi vì trong số người tiêu dùng có cả cộng đồng xã hội.
 Hiện tượng bất thường; đánh giá khác nhau
Chỉ trong 40 ngày, giá thép tăng 50%: từ 11.000 đồng/kg lên đỉnh điểm 16.000 đồng/kg. Nhưng cũng chỉ sau vài ngày có kết luận thanh tra chấp hành niêm yết giá của liên bộ Tài chính; Công thương và Hiệp hội thép, giá thị trường bắt đầu giảm mặc dù các yếu tố sản xuất, tiêu thụ không có biến động lớn.
Đối tượng thanh tra chỉ được khoanh vùng trong các doanh nghiệp có vốn Nhà nước chi phối, số doanh nghiệp này chiếm khoảng 47% sản lượng tiêu thụ của toànn thị trường. Các doanh nghiệp sản xuất thép ngoài quốc doanh và FDI không thuộc diện thanh tra.
Kết quả thanh tra 6 doanh nghiệp của Bộ Tài chính cho thấy: mức tăng giá từ đầu năm đến ngày 23/3 là gần gấp đôi mức tăng giá bình quân của cả năm 2009. Giá bán tăng nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp lại theo chiều ngược lại: phần lớn doanh nghiệp được thanh tra đều lỗ... Từ đó, bộ Tài chính kết luận: giá thép tăng chủ yếu do tăng giá đầu vào của phôi và thép phế (chiếm 95% giá thành thép sản phẩm).
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) thì cho rằng: giá thép cao có yếu tố của việc một số doanh nghiệp, cá nhân găm giữ hàng để đầu cơ.
Các chuyên gia Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) cho rằng: giá thép tăng ngoài nguyên nhân chi phí đầu vào tăng còn do các doanh nghiệp đã tăng giá đón đầu khi giá thép thế giới liên tục tăng cộng với tình trạng găm giữ, tạo khan hiếm giả tạo.
Trong tháng 3/2010, thời điểm giá thép tăng cao nhất, sản lượng thép tiêu thụ là 560.000 tấn, tăng 55% so với cùng kỳ 2009. Nếu tính một cách "cơ học", bình quân giá thép trong tháng 3/2010 tăng 1 triệu đồng/tấn, thì người chủ đầu tư các dự án đã phải tăng thêm ít nhất trên 560 tỷ đồng cho lượng thép tiêu thụ trong tháng này.
Đáng chú ý đây là hiện tượng không theo quy luật: sức mua tăng trong thời điểm giá tăng đột biến, giá tăng trong khi dự trữ phôi thép của các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Thép Việt Nam ước khoảng 420 - 450 nghìn tấn; thép tồn kho còn khoảng 200.000 tấn, đáp ứng đủ nhu cầu của cả nước trong hai tháng tiếp theo.
Thiệt hại lớn nhất sẽ là ngân sách Nhà nước
Thời điểm giá thép tăng cũng là khoảng thời gian các hợp đồng xây lắp mới chỉ được ký kết, các gói thầu đang được đem ra xét duyệt..., nghĩa là sự tăng giá đã phản ảnh ngay vào trong các bản hợp đồng trên giấy trong khi nhu cầu thực về thép đưa vào thực tế các dự án, công trình chưa diễn ra.
Sau này, khi quyết toán, sẽ không ít giá trị các hợp đồng xây lắp đã được "đội giá" ngay từ khi mới hình thành trên các bản vẽ thiết kế và dự toán ban đầu. Thực tế, lượng thép đưa từ nhà máy vào công trình không chắc đã tương đương lượng thép mua bán trên hợp đồng - trên giấy.
Kết luận thành tra của Bộ tài chính và của các chuyên gia đề thống nhất rằng: sự tăng giá thép vừa qua là "đón đầu" giá nguyên liệu (dự báo sẽ) tăng. Tiếp đó, các chủ đầu tư và nhà thầu cũng dễ dàng thống nhất một giá trúng thầu theo hướng giá nguyên vật liệu, trong đó có thép (dự kiến) cũng sẽ tăng. Nhà sản xuất "đón đầu" tăng giá, ngân sách cũng phải chấp nhận một khoản kinh phí tăng thêm trước để "cùng đón đầu"...
Tổng mức đầu tư năm nay khỏang 40% GDP, trong đó ngân sách Nhà nước và các nguồn tài chính do Nhà nước bảo lãnh chiếm tỷ trọng chi phối. Giá thép tăng được đưa vào giá thành các dự án, công trình sẽ làm "đội giá" tổng mức đầu tư và đây cũng là nguyên nhân làm chỉ số ICOR của Việt Nam tiếp tục tăng.
Trong quy định của Nhà nước về chủng loại vật tư đưa vào đấu thầu dự án không cho phép chủ đầu tư bắt buộc nhà thầu phải ghi rõ nhãn mác thép đưa vào công trình mà chỉ quy định về các tính chất cơ; lý; hóa. Thực tế, dựa vào tiêu chí này, không ít chủ đầu tư, với sự tư vấn của thiết kế giám sát, đã buộc nhà thầu ghi rõ nhãn mác thép của công trình. Đây có thể coi là sự ấn định của chủ đầu tư cho nhà thầu về địa chỉ của nhà cung cấp vật tư ngay từ khi chọn thầu.
Sự trói buộc về địa chỉ cung cấp thép của các chủ đầu tư dự án có vốn thuộc nguồn ngân sách, vô hình chung, đã tạo cơ sở vững chắc cho sự tăng giá của các nhà sản xuất thép có nhãn mác thường xuyên xuất hiện trong các gói thầu, bản vẽ thiết kế kỹ thuật.
Có hay không sự liên kết giữa chủ thầu - tư vấn thiết kế; giám sát - nhà sản xuất thép nhằm tăng tổng mức đầu tư, hợp pháp hóa các khỏan chi phí "không thể hạch toán" trong quá trình chuẩn bị hồ sơ đấu thầu?
Trong khi đó, với các công trình dân sinh và nguồn tài chính ngoài ngân sách, chủ đầu tư có thể linh hoạt thay đổi chủng loại thép, nguồn cung cấp vật tư trên cơ sở lựa chọn về giá miễn sao bảo đảm yêu cầu chất lượng thực tế của công trình. Các dự án kinh doanh bất động sản cũng linh hoạt thay đổi mác thép, nguồn cung cấp vật tư và cả tiến độ thi công các hạng mục khi có biến động về giá.
Hiệp hội hay liên kết giá?
Hiện tượng tăng giá thép vừa qua xảy ra đồng loạt ở hơn 30 cơ sở sản xuất thép thuộc VSA. Mặc dù, theo đại diện Hiệp hội thì các doanh nghiệp trong nước đã tự chủ được 60% phôi thép, tức là chỉ có 40% lượng thép thành phẩm phải phụ thuộc theo giá thế giới do giá nguyên liệu nhập khẩu tăng.
Theo tổng cục Hải quan, giá phôi thép nhập khẩu đầu tháng 3/2010 tăng 10-15%. Nhưng giá thép thành phẩm trên thị trường lại tăng bình quân đến hơn 40% thì một thực tế đã chỉ ra rằng giá thép đã không tăng hoàn toàn do giá thế giới. Đã có sự liên kết tăng giá của toàn bộ các nhà sản xuất thuộc VSA khi mới chỉ có tín hiệu thay đổi giá của bên ngoài. Doanh nghiệp dùng phôi tự sản xuất trong nước để cán cũng tăng giá như doanh nghiệp phải nhập phôi để sản xuất - sự tăng giá, rõ ràng, đã có sự thống nhất trong các thành viên sản xuất thép.
Đến nay, cũng chưa có bằng chứng cụ thể cho thấy đây là sự liên kết độc quyền "quy mô hiệp hội", nhưng VSA hầu như không có sự phản ứng răn đe sự tăng giá bất hợp lý, hay đơn thuần, chỉ là đưa lời kêu gọi các thành viên thực hiện chủ trương ngăn chặn lạm phát cao của Chính phủ - như Hiệp hội Ngân hàng mới đây.
Trong khi đó, VSA rất nhạy bén và kịp thời bảo vệ thành viên khi hàng trong nước bị hàng nhập khẩu cạnh tranh về giá trên thị trường bằng cách kiến nghị Nhà nước hạn chế hoặc cấm nhập các loại thép và thành viên của mình đang đầu tư, sản xuất.
Lý do hạn chế nhập khẩu thép cán nguội và thép cuộn mà VSA đưa ra là "để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 12% của ngành thép trong năm nay". Lẽ ra, để đạt mục tiêu đó, điều cốt lõi là tăng năng suất, chất lượng và hạ giá thành. Đằng này, ngành thép lại đi theo con bài riêng, để đạt chỉ tiêu tăng 12% thì phải kiến nghị Chính phủ hạn chế nhập khẩu thép!
Kết luận từ các cơ quan Nhà nước về nguyên nhân tăng giá thép vừa qua dường như "thống nhất" chỉ ra mắt xích của hiện tượng là ở các đại lý, công ty thương mại - tức là khâu trung gian và không kiểm đếm được địa chỉ và bảo vệ phương án tăng giá thép của các doanh nghiệp sản xuất.
Nhận định này, cũng giống như các cuộc thanh tra về giá xi măng trước đây, khiến việc chấn chỉnh sẽ lại tập trung vào một địa chỉ không chiếm thị phần sản lượng tiêu thụ chủ yếu là khu vực dân sinh mà bỏ qua tác động của việc tăng giá đối với các dự án có giá trị lớn từ nguồn ngân sách.
Sau thanh tra, Bộ Tài chính; Bộ kế hoạch đầu tư và các cơ quan bảo vệ pháp luật cần tiếp tục phân tích, làm rõ hiện tượng tăng giá thép "dật cục" vừa qua có là cơ hội cho các bên tham gia dự án nguồn vốn ngân sách lợi dụng hay không. Đồng thời, cần làm rõ bản chất động cơ hai hiện tượng: Tại sao hơn 30 doanh nghiệp thép nội cùng câu kết tăng giá bán? Kiến nghị của VSA ngăn chặn thép ngoại nhập khẩu phải chăng nhằm bảo vệ môi trường cho sự "liên kết giá"?

 

(tuanvietnam.net)

ĐỌC THÊM