Năm 2011, kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức do đà tăng trưởng tiếp tục chậm lại, lạm phát tăng cao, việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng nặng nề... Vì vậy, ngay từ đầu năm, các DN cần phải thực hiện nhiều biện pháp nhằm chủ động ứng biến.
Nhận diện thách thức
2011 là năm thứ tư liên tiếp kinh tế nước ta có xu hướng suy giảm đà tăng trưởng. Tình hình lạm phát có giảm tốc độ tăng nhưng vẫn ở mức cao, đầu tư công còn dàn trải và việc chi tiêu ngân sách chưa được cắt giảm, nhập siêu nhiều và nợ công lẫn nợ tư (của các DN) có xu hướng tăng. Thời gian qua, phần lớn DN đều trong tình trạng khó khăn, trong 10 tháng đầu năm 2011, có khoảng 48.700 DN phải ngưng hoạt động, tăng 21,8% so với năm 2010.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: “Nhà nước đang nỗ lực tập trung thực hiện nhiều biện pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đồng thời quan tâm hỗ trợ và giúp các DN trong nước tháo gỡ khó khăn thông qua các chính sách về thuế, tín dụng... 2012 đã được Chính phủ xác định là năm nền tảng quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn 2011-2015, với các nhiệm vụ trọng tâm là kiểm soát lạm phát, bình ổn thị trường giá cả, cải thiện cán cân thanh toán và phấn đấu giảm bội chi ngân sách. Tuy nhiên, dự đoán trong năm 2012, tình hình sản xuất, kinh doanh của DN sẽ gặp nhiều khó khăn do kinh tế vĩ mô còn bất ổn và tăng trưởng thấp trong vài năm đầu tái cơ cấu nền kinh tế. Chính sách thắt chặt tiền tệ, tài khóa, chống lạm phát tiếp tục được thực hiện cũng gây bất lợi cho DN trong việc tiếp cận vốn vay. Trong khi đó, sức ép cạnh tranh tăng lên khi nền kinh tế mở cửa rộng hơn theo các cam kết FTA, đặc biệt với Trung Quốc và các nước ASEAN. Ngoài ra, DN còn chịu tác động của tình hình suy thoái kinh tế thế giới, cũng như các cuộc khủng hoảng năng lượng, tài chính, môi trường. Do vậy, DN không ngồi chờ Nhà nước tái cơ cấu mà phải tự mình chủ động làm trước. Bản thân các DN phải tự tái cơ cấu, điều chỉnh chiến lược cạnh tranh, tự vượt khó để tồn tại và thích ứng với bối cảnh mới và những đòi hỏi mới để phát triển”.
DN ứng biến ra sao?
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong tình hình khó khăn hiện nay, DN cần phải chủ động tự cứu mình trước khi chờ đợi các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô của Nhà nước phát huy hiệu quả. Cách tiếp cận nhằm giải quyết khó khăn trong tình hình hiện nay là, DN cần rà soát lại danh mục đầu tư, kinh doanh, thực hiện đổi mới việc kinh doanh, ưu tiên cho những dự án có thể làm ngay và đem lại hiệu quả tức thì nhằm giúp giải quyết khó khăn trước mắt để tồn tại. Song song đó, DN cần thực hiện các biện pháp cấu trúc lại tổ chức, tối ưu hóa việc sản xuất, kinh doanh theo hướng tăng năng suất, chất lượng, chống lãng phí và tiết kiệm nhằm giảm tối đa chi phí, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Câu lạc bộ DN dẫn đầu, Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu chia sẻ: “DN cần phải nắm chắc tình hình thực tế và các chính sách của Nhà nước để có dự báo tốt, đưa ra các kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp và chủ động tránh các rủi ro có thể xảy ra. Trong tình hình sức tiêu thụ thị trường giảm, chi phí đầu vào tăng, cạnh tranh ngày càng gay gắt và khả năng tiếp cận vốn khó, DN cần cân bằng giữa hiệu quả ngắn hạn và dài hạn trong hoạch định chiến lược nhằm đảm bảo sử dụng đồng vốn hiệu quả nhất. Ngoài ra, việc kiện toàn lại bộ máy, quản trị tốt sự thay đổi, có chính sách giữ chân người tài và quản lý tốt dòng hàng hóa và các đối tượng khách hàng nhằm đảm bảo ổn định cho việc sản xuất kinh doanh cũng rất quan trọng”.
Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ DN (BSA), Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao cũng cho rằng, trong tình hình hiện nay, để đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm, DN cần quan tâm nhiều đến nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, có chiến lược sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường một cách hợp lý. DN cần phát triển số lượng, năng lực tiêu thụ của người tiêu dùng, tăng số điểm phân phối bán hàng và doanh số bán hàng tại từng điểm phân phối bán hàng cụ thể.
Liên kết hợp tác, sáp nhập giữa các công ty lại với nhau nhằm tăng năng lực tài chính, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh cũng là một hướng đi nhằm giúp DN tồn tại và phát triển trong tình hình hiện nay. Để cứu một DN đang gặp “rắc rối”, các chuyên gia cũng đã khuyến cáo nhà lãnh đạo DN nên tham khảo và thực hiện theo mô hình 3C, với 3 bước đi chính: kiểm soát và tạo ra nguồn tiền; áp dụng những phương thức quản trị hiệu quả; truyền thông đến tất cả các bên liên quan về tình hình tiến trình phục hồi của DN.
Theo ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, “món quà” quý giá và sự hỗ trợ thiết thực nhất của Nhà nước với DN lúc này là cải cách hành chính hiệu quả, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn về thủ tục. Đây là giai đoạn sàng lọc và DN phải nhìn ra đây là cơ hội tự “chữa bệnh”, mạnh dạn tái cấu trúc để hoạt động hiệu quả.
Nguồn tin: KTNT