- Ông Trần Quang Huy- Vụ trưởng, Vụ thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương)- cho biết, nhờ có nguồn thu ngoại tệ từ ngành công nghiệp dầu khí, các nước Trung Đông đang đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là tại các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), Ả-rập Xê-út và Qatar.
Tổng dự án xây dựng được cấp phép trong hai năm 2012-2013 tại Trung Đông đạt khoảng 915 tỷ USD; trong đó tống giá trị các dự án đã hoàn thành năm 2013 đạt gần 70 tỷ USD, dự kiến năm 2014 số dự án hoàn thành đạt 90 tỷ USD. Điều này cho thấy nhu cầu vật liệu xây dựng và các sản phẩm gỗ của thị trường Trung Đông rất lớn, tuy nhiên họ gần như phải phụ thuộc vào nhập khẩu.
Năm 2013, Ả-rập Xê-út đã chi ra trên 6,3 tỷ USD để nhập khẩu sắt, thép; 595 triệu USD nhập kính xây dựng và trên 1,2 tỷ USD nhập gỗ, sản phẩm gỗ từ các thị trường châu Âu, châu Á. Phía UAE cũng nhập khẩu trên 9 tỷ USD sắt thép; 461 triệu USD kính xây dựng và 890 triệu USD cho các mặt hàng liên quan tới gỗ trong năm 2013… Dự kiến trong thời gian tới, lượng nhập khẩu các sản phẩm trên sẽ tiếp tục tăng hơn nữa.
Chi tiết hơn về nhu cầu từng thị trường, ông Nguyễn Quốc Hải- Thương vụ tại Ả-rập Xê-út- cho biết, mỗi năm nước này cần khoảng 60 triệu tấn xi măng, 25 triệu tấn sắt thép xây dựng… Điều đáng mừng là các DN Ả-rập Xê-út đang dần chuyển hướng từ các thị trường truyền thống sang những thị trường tiềm năng mới, trong đó có Việt Nam.
Cũng theo ông Hải, Ả-rập Xê-út là quốc gia có thuế quan chỉ ở mức 5% đánh vào tất cả các mặt hàng nhập khẩu và không có thuế thu nhập cá nhân, không có thuế giá trị gia tăng (VAT). Do đó, khi thâm nhập vào thị trường này DN Việt Nam cần nắm bắt những điều kiện thuận lợi trên để đưa ra chiến lược phù hợp.
“Đối với việc tiếp cận thị trường Trung Đông, cộng đồng DN Việt Nam cần tích cực hơn trong triển khai các hoạt động khảo sát, nghiên cứu thị trường, đặc biệt là chú trọng đầu tư khâu quảng cáo, tiếp thị sản phẩm phù hợp với văn hóa của khu vực Trung Đông. Mặt khác, sản phẩm xuất khẩu sang các nước Trung Đông phải đảm bảo chất lượng, quy cách và mẫu mã đáp ứng đúng quy định về tiêu chuẩn chất lượng, bảo vệ môi trường cũng như thói quen tiêu dùng của người dân bản địa. Bên cạnh đó, DN cần chủ động tiếp cận các tổ chức đấu thầu những dự án xây dựng hoặc đơn vị trúng thầu để tăng cường trao đổi cơ hội hợp tác, xuất nhập khẩu vật liệu xây dựng, sản phẩm gỗ sang thị trường này”- ông Huy cho biết.
Tuy nhiên, để tránh rủi ro tại Trung Đông, các DN xuất khẩu cần cảnh giác với những thương vụ quá hấp dẫn, đối tác không mở thư tín dụng (L/C), cần soạn thảo hợp đồng nêu chi tiết những điều khoản rõ ràng hoặc thậm chí cần nêu rõ trường hợp xảy ra tranh chấp thì xử ở đâu, xử theo luật nào và bằng ngôn ngữ cụ thể.
Nguồn tin: Congthuong