Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, hiện các doanh nghiệp Việt Nam đã đủ khả năng để xây dựng cơ sở sản xuất thép quy mô lớn. Do vậy, chúng ta không nên khuyến khích nhà đầu tư FDI 'đổ tiền' vào ngành thép với những mảng mà trong nước hoàn toàn có khả năng tự làm.
Việt Nam trở thành thị trường thép lớn trên thế giới
Trả lời câu hỏi của PV về năng lực thực tế trong hoạt động sản xuất thép và tình trạng đầu tư ồ ạt của các doanh nghiệp FDI vào ngành này trong thời gian vừa qua, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, hiện nay ngành thép đang sản xuất 4 nhóm chính bao gồm thép xây dựng, thép cuộn cán nguội, thép ống hàn và sản phẩm tôn mạ.
Thực tế hoạt động của các nhà máy thép trong nước đang khoảng trên dưới 70% năng lực, vẫn dư 30% và phù thuộc chủ yếu vào nhu cầu tiêu thụ nội địa, khả năng xuất khẩu sang thị trường các nước.
Liên quan về tình hình đầu tư của các doanh nghiệp FDI, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cũng cho hay, đến nay có thể nói ngành công nghiệp thép Việt Nam đang trở thành ngành quan trọng của nền kinh tế. Trong năm 2016, các doanh nghiệp sản xuất được hơn 17 triệu tấn thép và tiêu thụ trong nước đã lên tới 22,6 triệu tấn. Với con số này, sản lượng thép và tiêu thụ đã vươn lên vị trí hàng đầu trong các nước Asean, cũng như trên thế giới.
Doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có khả năng xây dựng cơ sở sản xuất thép quy mô lớn với cỡ 5 – 7 triệu tấn/năm . Ảnh minh họa
“Theo tôi, với sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp thép, các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có khả năng xây dựng cơ sở sản xuất quy mô lớn với cỡ 5 - 7 triệu tấn/năm. Vì vậy, chúng ta không nên khuyến khích doanh nghiệp FDI đầu tư vào ngành thép, với những mảng thép thông thường mà Việt Nam có thể đầu tư sản xuất được”, ông Sưa bày tỏ quan điểm.
Theo ông Sưa, đối với nhà đầu tư nước ngoài chỉ nên khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực Việt Nam chưa sản xuất. Điển hình như thép hợp kim, thép chất lượng cao để phục vụ cho sản xuất cơ khí, cũng như ngành có kỹ thuật cao khác.
Doanh nghiệp cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh
Liên quan đến câu hỏi về hiệu quả của các biện pháp tự vệ đã được cơ quan quản lý nhà nước liên tục đưa ra trong thời gian vừa qua, ông Nguyễn Văn Sưa cho biết, hiện nay, Việt Nam đã và đang tham gia hội nhập khá sâu rộng với quốc tế. Điều này đồng nghĩa với việc thúc đẩy tự do hóa thương mại, tức là dỡ bỏ hàng rào thuế quan trong thương mại.
Tuy nhiên, theo thông lệ quốc tế, các nước vẫn được sử dụng những công cụ phòng vệ để bảo vệ sản phẩm sản xuất trong nước. Đây được xem là hàng rào kỹ thuật, cũng như biện pháp phòng vệ thương mại, giúp nhà sản xuất trong nước trong bối cảnh năng lực cạnh tranh còn hạn chế cần có thời gian đầu tư vào công nghệ, cũng như quản lý để nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế.
“Việc sử dụng các biện pháp thương mại là rất cần thiết, không chỉ Việt Nam mà các nước trên thế đã sử dụng rất thành thạo và vô cùng nhiều, điển hình là Mỹ”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cũng cho rằng, những biện pháp phòng vệ thương mại chỉ là biện pháp nhất thời, trước mặt. Còn về lâu dài các doanh nghiệp cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, mới có thể tồn tại và phát triển bền vững.
Cuối tháng 5 vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 7896/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG), đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước/vùng lãnh thổ gồm: Trung Hoa, Indonesia, Malaysia và Đài Loan.
Trước đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1656/QĐ-BCT về kết quả rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu.
Theo quy định của Pháp luật Chống bán phá giá của Việt Nam, sau một năm kể từ ngày ban hành quyết định áp dụng biện pháp thuế CBPG, các bên liên quan có quyền gửi yêu cầu rà soát đối với các nội dung trong quyết định áp dụng biện pháp CBPG nêu trên.
Nguồn tin: vnMedia