Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Có nên tăng thuế nhập khẩu thép lên 25%?

Khi giá thép tăng, các DN đã tăng giá và có lãi lớn, nay giá thép giảm các DN lại không muốn giảm giá ngay mà đòi nâng thuế nhập khẩu để bảo hộ, điều này có hợp lý?
Hiệp hội Thép Việt Nam vừa kiến nghị Chính phủ tăng thuế suất thuế nhập khẩu thép thành phẩm lên 25% thay cho mức 8% hiện nay.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, việc tăng thuế nhập khẩu thép thành phẩm lên 25% nhằm tránh tình trạng thép Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam làm ảnh hưởng đến các nhà sản xuất trong nước.

Hiện giá thép Trung Quốc nhập vào Việt Nam đang ở mức 14 triệu đồng/tấn (đã có thuế GTGT) tương đương với giá thép của các DN trong nước. Sở dĩ giá thép thành phẩm nhập vào Việt Nam rẻ như hiện nay là do giá phôi thép thế giới đang giảm mạnh, còn dưới 600 USD/tấn.
Trước đó, ngày 9/10, các DN thành viên Hiệp hội Thép cũng đã thống nhất không tiếp tục hạ giá thép thêm nữa. Theo Hiệp hội, với giá mức bình quân thép cuộn và thép cây là 13,5-13,7 triệu đồng/tấn (chưa có VAT) thì các DN đã chịu lỗ, nếu tiếp tục giảm thì sẽ còn lỗ nặng hơn.

Sản xuất phôi thép tại Công ty CP thép Đình Vũ (nguồn: Thép Đình Vũ).

Như vậy mục đích chính của việc đề nghị tăng thuế nhập khẩu thép thành phẩm được hiểu là nhằm giữ cho giá thép nhập khẩu đứng ở  mức cao và giá thép trong nước theo đó cũng được giữ ở mức cao, tránh cho các DN thép bị thua lỗ nặng.
Cũng theo Hiệp hội Thép, hiện các DN còn tồn gần 400.000 tấn thép thành phẩm và 500.000 tấn phôi thép mua dự trữ từ khi giá còn cao. Do vậy, việc tăng thuế nhập khẩu thép thành phẩm sẽ góp phần bảo hộ tiêu thụ sản phẩm trong nước, giảm bớt gánh nặng cho ngành thép.
Hiện nay, giá phôi thép và thép trên thị trường thế giới đang giảm mạnh do kinh tế suy thoái, nhu cầu xây dựng giảm. Giá phôi thép (FOB) tại khu vực Viễn Đông (CHLB Nga) trên thị trường Luân Đôn hiện chỉ còn 290 USD/tấn giảm hơn 500 USD/tấn trong thời gian qua.
Giá thép giảm mạnh chắc chắn sẽ tác động đến thị trường Việt Nam và sẽ làm cho nhiều DN thép phải giảm giá bán, nhưng điều này thì không DN nào mong muốn. Điều họ mong muốn là vẫn được bán thép với giá cao tiêu thụ hết số thép sản xuất với chi phí cao nhưng tự mình không thể làm được nên mới đề nghị nâng thuế nhập khẩu thép.
Theo tính toán nếu tăng thuế nhập khẩu thép lên 25% thì giá thép nhập khẩu sẽ tăng hơn hiện nay khoảng 2 triệu đồng/tấn (khoảng 16 triệu đồng /tấn) như vậy thì các DN thép đang bán ra với giá 13,7 triệu đồng/tấn hoàn toàn có thể tăng giá bán (nếu giá thép trên thế giới đứng nguyên) và như vậy thì họ sẽ không bị thua lỗ.
Còn nếu giá thép trên thị trường thế giới tiếp tục giảm thì với mức thuế  25% cũng đủ sức kìm thép nhập khẩu trong 1 thời gian dài đủ để các DN giữ nguyên giá bán hiện nay với hy vọng tiêu thụ hết thép và phôi thép tồn đọng. Rồi sau đó nếu giá thép vẫn giảm mạnh, mức thuế 25% không đủ để kìm chân thép nhập khẩu thì rất có thể lại có đề nghị tiếp tục nâng thuế để "giảm bớt gánh nặng".
Với việc đề nghị tăng thuế nhập khẩu, các DN thép chỉ nghĩ đến bản thân họ. Nếu thuế suất thuế nhập khẩu tăng lên 25% như đề nghị thì tất nhiên thép nhập khẩu sẽ không cạnh tranh được và thép trong nước hoàn toàn yên tâm bán giá cao.
Nếu vậy "gánh nặng" mà các DN thép mong muốn được giảm bớt chắc chắn sẽ chuyển sang vai những công trình xây dựng, nhưng người tiêu dùng sử dụng thép và tất nhiên là thép trong nước sẽ có một mức giá cao hơn rất nhiều so với giá trên thị trường thế giới.
 
 

 

 

 

Các nhà nhập khẩu đã thu lợi lớn vào lúc thép trong nước lên giá, đến nay lại muốn chặn dòng nhập khẩu để không cho giá xuống (ảnh: matexim)

 

Các doanh nghiệp thép đã lãi rất lớn
Khi khó khăn thì các DN thép đã nhanh chóng đòi bảo hộ, nhưng khi có lãi lớn thì  tất cả đều im lặng. Cụ thể 6 tháng đầu năm 2008 các DN thép đã có khoản lãi khó tưởng tượng nổi.
Chẳng hạn, Công ty cổ phần thép Đình Vũ  6 tháng đầu năm 2008 có mức lãi tới  227 tỷ đồng trên vốn điều lệ 110 tỷ đồng, vượt cả kế hoạch năm. Công ty cổ phần thép Thép Việt (là một trong những công ty con của Tập đoàn Thép Việt) cũng có lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm 2008 là  228,494 tỷ đồng trên vốn điều lệ 800 tỷ đồng. Còn Tổng Công ty Thép Việt Nam thì trong 4 tháng đầu năm 2008 cũng có lãi tới 409 tỷ đồng.

Đây đều là mức lãi khá cao do các DN đã nhập được nguồn phôi thép với giá rẻ từ cuối năm 2007, rồi tranh thủ bán thép giá cao trong thời điểm giá thép thành phẩm trong nước và thế giới tăng cao.
Trong thời gian vừa qua nhiều DN sản xuất thép do dự báo giá phôi thép và thép tăng nên đã đẩy mạnh nhập khẩu phôi thép từ lúc giá còn thấp (từ 350USD-700USD). Sau đó khi giá phôi thép và thép trên thị trường thế giới tăng cao thì các DN đã nhanh chóng nâng giá bán thép lên tương đương, bất chấp phôi thép mua được ở thời điểm mức giá còn thấp.
Khi đó đã có nhiều ý kiến lên tiếng phản đối cách làm này, nhưng các DN thép có lý riêng của mình. Họ giải thích là để đảm bảo có đủ vốn cho tái sản xuất. Nếu nhập phôi giá thấp, bán thép giá thấp thì số tiền thu được từ bán thép sẽ không đủ để tiếp tục nhập khẩu phôi với giá đã tăng cao và đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất.
Thời gian này, người tiêu dùng đã phải chịu một giá thép cao còn các DN thép thì lãi lớn. Nhưng nay giá thép đã giảm mạnh thì các DN thép lại không chịu làm việc ngược lại là giảm giá ngay lập tức, tương đương với giá thép trên thị trường mà vẫn đòi bảo hộ để được bán thép với giá cao hơn giá thế giới.
Theo các dự báo, giá thép trên thị trường thế giới sẽ giảm xuống dưới 10 triệu đồng/tấn. Điều này đang làm các DN thép lo ngại bởi lợi nhuận của 6 tháng đầu năm 2008 sẽ không giữ được. Kinh doanh có lúc lãi, có lúc lỗ. Lúc lãi lớn thì im lặng, nhưng khi thua lỗ lại đòi chuyển gánh nặng sang vai người khác, điều này có thực sự hợp lý?
Một số ý kiến cho rằng, đến nay mà các DN thép vẫn xin bảo hộ là việc làm đáng lo ngại. Việt Nam đã hội nhập kinh tế, chuyện tăng thuế để bảo hộ sản xuất trong nước chỉ có giới hạn. Hơn nữa làm như vậy sẽ không thể giúp các DN trong nước tăng sức mạnh, bởi còn bảo hộ các DN còn ỷ nại. Mỗi khi khó khăn lại xin bảo hộ như vậy mãi mãi sẽ không thể đủ sức cạnh tranh với các DN trên thị trường quốc tế.
Nếu tất cả các DN kinh doanh khi gặp khó khăn đều muốn chuyển gánh nặng của mình sang cho người tiêu dùng, đây có phải là cách làm tốt?
(Vietnamnet)

ĐỌC THÊM