Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Cổ phiếu thép nhích lên khi doanh nghiệp vào mùa tiêu thụ thép

Lợi nhuận của các DN ngành thép trong 2 tháng đầu năm kém khả quan do là mùa thấp điểm tiêu thụ thép. Nhưng từ tháng 3 trở đi, khi hoạt động xây dựng cơ bản khởi động trở lại.

Kết quả lợi nhuận tháng 1 mà CTCP Tập đoàn Hoa Sen công bố đạt 31 tỷ đồng, thấp hơn so với mức 40 - 50 tỷ đồng các tháng cuối năm 2009. Đại diện của Hoa Sen cho biết, lợi nhuận tháng 1 giảm là do đây mùa thấp điểm tiêu thụ mặt hàng tôn.

Mặt khác, thời điểm Tết Nguyên đán, Công ty tập trung thu hồi công nợ để đánh giá khả năng tài chính của khách hàng. Công ty đã điều tiết giảm sản lượng bán hàng, nhưng vẫn tập trung sản xuất, tăng tỷ lệ hàng tồn kho để chuẩn bị cho mùa vụ sau Tết.

Kết quả kinh doanh tháng 2 của Hoa Sen cũng như các DN ngành thép bị ảnh hưởng bởi thời gian nghỉ Tết kéo dài 10 ngày. Theo lãnh đạo Hoa Sen, dự tính ban đầu của Công ty là hòa vốn trong tháng 2, nhưng kết quả sơ bộ cho thấy vẫn có lãi

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư thương mại SMC cho biết, sản lượng tiêu thụ tháng 1 chậm lại do ảnh hưởng của Tết. Nhưng sang tháng 2, ngay từ ngày mùng 9 Tết, sản lượng bán hàng tăng mạnh do khách hàng, chủ đầu tư dự đoán xu thế giá thép sẽ tăng, nên đẩy mạnh trữ hàng. "Dự kiến lợi nhuận tháng 3 sẽ rất tốt", ông Anh nói.

Bước vào mùa cao điểm tiêu thụ thép, giá các cổ phiếu thép đang nhích dần lên với kỳ vọng DN thép sẽ được hưởng lợi từ giá nguyên vật liệu đầu vào dự trữ như năm 2009. Tuy nhiên, rủi ro đối với DN ngành thép là giá vật liệu đầu vào tăng cao cũng có thể giảm mạnh.

Như những gì đã từng xảy ra năm 2009, khi giá thép tăng cao quá thì nhu cầu lại giảm xuống, do các chủ đầu tư không chấp nhận được chí phí phát sinh. Giá thép nguyên liệu có thể nhanh chóng giảm lại, vì khách hàng tiêu thụ ngừng nhập thép. Vì vậy, việc đầu tư vào cổ phiếu ngành thép đòi hỏi NĐT phải bám sát diễn biến giá thép trên thị trường thế giới.

Theo các chuyên gia, tác động chung của việc tăng giá nguyên liệu thép với các DN thép là hoàn toàn khác nhau. Chỉ những DN có lượng tồn kho lớn, có khả năng tài chính, mới được hưởng lợi. Mà trong bối cảnh thắt chặt tín dụng trong nước vừa qua, số DN có khả năng tăng dự trữ nguyên liệu không phải là nhiều.

Mặt khác, rủi ro cần tính đến là khi giá thép đảo chiều thì những DN sản xuất thép thành phẩm như HPG, HSG... mới có khả năng kiểm soát rủi ro bằng việc đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho. Những DN này cũng là những DN có thể tối đa hóa lợi nhuận từ hàng tồn kho giá rẻ, nhờ chu trình sản xuất và tiêu thụ khép kín. Ngược lại những DN thép làm thương mại thuần túy có thể “lướt sóng" nguyên liệu thép để kiếm lợi, nhưng cũng rất rủi ro nếu giá thép đảo chiều.

Theo thông tin mới nhất, nhà sản xuất Nhật Bản đã chào bán thép cán nóng tăng 30%. Nguyên nhân, giá thép nguyên liệu tăng cao là nhu cầu sản phẩm thép phục hồi cùng với sự phục hồi và tăng trưởng của kinh tế thế giới. Các nhà khai thác quặng đã tăng giá bán quặng để bù đắp cho khoản lỗ năm 2009.

Việc tăng giá thép trên thị trường thế giới báo hiệu lạm phát sẽ được đẩy mạnh nhập khẩu vào Việt Nam. Chỉ số tăng giá hàng tiêu dùng vì thế bị tác động đáng kể và điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến TTCK. Do đó, NĐT lướt sóng cổ phiếu ngành thép được khuyên rằng, không nên bỏ qua tính hai mặt của việc giá thép đang tăng trên thị trường thế giới.

ĐTCK

ĐỌC THÊM