Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Cổ phiếu thép sẽ dẫn dắt thị trường?

Khi giá thép đang có dấu hiệu tăng trở lại, giới đầu cơ thị trường đã tận dụng cơ hội thị trường tăng điểm hôm 20/1 để "tấn công" cổ phiếu thép, với 8/20 mã cổ phiếu thép tăng kịch trần.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tiếp tục bật tăng mạnh, với mức tăng hơn 6 điểm, chốt phiên ở sát mốc 512 điểm (+1,2%). Thanh khoản giảm nhẹ và vẫn ở ngang mức so với phiên hôm qua. Tổng khối lượng giao dịch cả khớp lệnh và thỏa thuận đạt 41,2 triệu đơn vị, trong đó giao dịch khớp lệnh đạt hơn 34 triệu đơn vị. Tổng giá trị giao dịch phiên này đạt 1.067,28 tỷ đồng. Mặc dù thị trường tăng điểm khá mạnh song số mã giảm vẫn chiếm ưu thế ở phiên này, với 129 mã giảm, chỉ có 99 mã tăng và 56 mã đứng giá.

Động thái và cách thức giao dịch của phiên sáng nay không khác nhiều so với những phiên trước. Nhóm cổ phiếu lớn tiếp tục được đẩy giá và dẫn dắt đà tăng điểm của chỉ số. VN-Index dễ dàng vượt qua mốc 510 điểm ngay từ đợt khớp lệnh đầu tiên. Bộ ba BVH, MSN, PVF tiếp tục được nhắc đến trong phiên hôm nay khi đã tăng lên mức kịch trần trong những phút giao dịch đầu tiên tuy nhiên PVF đã không giữ được sắc tím cho đến phút cuối mà chỉ tăng 4,3%.

Phiên giao dịch hôm qua DPM và HAG là hai nhân tố phụ hỗ trợ cho chỉ số, song hôm nay lực cầu ở hai cổ phiếu này đã không còn mạnh. DPM chỉ giữ được mức tăng 3,7% trong khi đó HAG giảm nhẹ 0,9% về 55 nghìn/cp. Tuy nhiên lại có hai điểm sáng thay thế hai cổ phiếu này, đó là VNM và VIS. VNM có một phiên bật tăng khá ấn tượng từ mức giảm nhẹ 500 đồng/cp ở đầu phiên, cổ phiếu này đã được đẩy lên kịch trần vào cuối phiên, song điều đáng nói ở đây là không có bóng dáng của NĐTNN trong giao dịch của VNM. Cổ phiếu VIS cùng nhóm cổ phiếu ngành thép đã một phiên gây bất ngờ và đột biến. Chốt phiên VIS tăng kịch trần lên 32,2 nghìn/cp với dư mua trần 0,4 triệu đơn vị.

Tại sàn Hà Nội, mặc dù giữ được sắc xanh trong phần lớn giao dịch song áp lực bán gia tăng về cuối đã đẩy chỉ số mất điểm nhẹ. HNX-Index chốt phiên ở 107,02 điểm (▼-0,25 -0,23%). Thanh khoản không được cải thiện mà ngược lại đang ngày càng giảm sút, với 21,5 triệu đơn vị được chuyển nhượng, tương đương giá trị giao dịch đạt 394,87 tỷ đồng. Toàn sàn có 107 mã tăng giá, 60 mã đứng giá và 159 mã giảm giá.

Đà tăng của chỉ số trong những phiên vừa qua do liên tục nhận được sự hỗ trợ từ nhóm Bluechips và động thái mua ròng mạnh của NĐTNN. VN-Index dễ dàng chinh phục những mốc kháng cự quan trọng. Nếu động thái giao dịch này tiếp tục xảy ra thì nhiều khả năng chỉ số sẽ vẫn còn có thể chinh phục những mốc điểm cao hơn. Sáng nay, thông tin về chỉ số giá tiêu dùng của hai thành phố lớn, TPHCM và Hà Nội, đã được công bố, cụ thể CPI tháng 1 của TPHCM tăng 1,01% và Hà Nội tăng 1,68%. Mức tăng này đã được dự báo từ trước và chủ yếu do yếu tố mùa vụ - nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao trước tết âm lịch, cộng với việc tỷ giá ở mức cao. Trong những phiên tới, CPI của cả nước cũng sẽ được công bố, nhìn chung, thông tin này sẽ không có nhiều tác động tới tâm lý của giới đầu tư.

Nhóm cổ phiếu thép tăng điểm ấn tượng

Có tới 8/20 cổ phiếu thuộc ngành thép có mức tăng kịch trần trong phiên hôm nay: HLA, HMC, KKC, SSM, TLH, TNB, VGS, VIS trong đó đáng chú ý TLH và VGS có dư mua trần tới hơn 1 triệu đơn vị. Cổ phiếu VIS như đã nói ở trên cũng có dư mua trần 0,4 triệu đơn vị và cũng có tác động không nhỏ tới đà tăng điểm của chỉ số.
Ngoài 8 cổ phiếu này, nhiều cổ phiếu cũng có được mức tăng khá cao như: BVG (+3,4%), PHT(+3%), NKG (+4,1%), SHI (+1,1%)…Trong toàn bộ 20 cổ phiếu thuộc nhóm ngành này, duy chỉ có HPG giữ mức giá tham chiếu 38,5 nghìn/cp. Cả nhóm tính chung có mức tăng 2,8%.

Liệu phiên hôm nay có phải là khởi đầu của sóng ngành thép? Trước đây, khi cổ phiếu nhóm này có sóng thì đà tăng thường không duy trì được lâu. Những yếu tố ảnh hưởng chính đến kết quả kinh doanh của các công ty trong ngành là giá thép và sản lượng tiêu thụ. Theo tính toán của Hiệp hội Thép trong năm 2011, sản lượng thép tiêu thụ sẽ tăng từ 8-10% so với năm 2010. Với năng lực thép xây dựng cả nước hiện đã đạt 7,83 triệu tấn/năm, sản xuất và tiêu thụ thép năm 2011 sẽ ở mức khoảng 6 triệu tấn. Trong khi đó giá bán thép cũng được dự báo là sẽ tăng khi giá nguyên liệu đầu vào vẫn tiếp tục và giá thép trên thế giới cũng đã tăng thêm 100 USD/tấn từ tháng 1/1/2011.

Tuy nhiên chi phí đầu vào là yếu tố gây khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp trong ngành, bởi đang có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng như tỷ giá USD/VND, lãi suất vay vốn ngân hàng quá cao, giá điện sẽ được điều chỉnh tăng trong năm 2011.

Khi cổ phiếu có sóng thì yếu tố tác động lớn nhất đó là sự kỳ vọng và tâm lý tích cực của nhà đầu tư. Điều đáng lưu ý là không có sự kỳ vọng nào mà lại không dựa trên một cơ sở nào đó.

Nguồn: Stox.vn

ĐỌC THÊM