Những ngành sử dụng nhiều tài nguyên, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao như sắt thép, xi măng, hóa dầu... vẫn chiếm ưu thế trong nền kinh tế Việt Nam. Trong khi đó yêu cầu sản xuất “sạch” hơn, giá trị gia tăng cao hơn lại không thể thực hiện trong “một sớm một chiều”.
Kém hiệu quả
Đánh giá về đóng góp của các ngành công nghiệp vào GDP, TS Nguyễn Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định: Nếu như giai đoạn 1990-2000 ngành công nghiệp nước ta đóng góp 29,62% tổng GDP, thì giai đoạn 2001-2010 đã tăng lên 38,42% và giai đoạn 2011-2013 là 38,28%. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Dù vậy, TS Nguyễn Tuệ Anh cũng nhìn nhận thực tế các ngành tiêu tốn năng lượng và tài nguyên như xi măng, dệt sợi, sắt thép, hóa chất... còn nhiều.
Giá trị gia tăng của ngành công nghiệp cũng đang dấy lên nhiều lo ngại. Nghiên cứu của nhóm tác giả Nguyễn Bích Lâm, Bùi Trinh (Tổng cục Thống kê) đánh giá: Từ nhiều năm nay, tăng trưởng kinh tế và cơ cấu của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP của Việt Nam luôn là niềm vui, nỗi buồn trong các báo cáo thành tích, hoặc các đề tài nghiên cứu khoa học từ Trung ương đến địa phương. Nhìn vào cơ cấu ngành và tăng trưởng thấy rằng, đóng góp của nhóm ngành công nghiệp trong GDP tăng từ 29% năm 2000 lên khoảng 33% năm 2012, trung bình mỗi năm tăng hơn 1% và tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân của nhóm ngành này từ 2000 - 2012 đạt trên 7%.
Nếu chỉ nhìn vào những con số nêu trên thì đây là thành tích đáng tự hào của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhưng nếu phân tích sâu hơn có thể thấy, điều này không hẳn chỉ là thành tích mà ẩn chứa nhiều rủi ro.
Nhóm tác giả của Tổng cục Thống kê cho biết: Giá trị gia tăng của nhóm ngành công nghiệp từ năm 2000 đến nay luôn rất cao. Từ năm 2007 đến nay, tỉ lệ này trung bình chiếm trên 45%, nhưng trớ trêu là tỉ lệ giá trị gia tăng trên giá trị sản xuất của nhóm ngành này lại sụt giảm. Nếu chỉ tính riêng cho công nghiệp chế biến, chế tạo, tỉ lệ giá trị gia tăng so với giá trị sản xuất giảm từ 20% trong giai đoạn trước xuống còn 17% trong giai đoạn hiện nay. Điều này có nghĩa, khi giá trị sản phẩm tạo ra là 100 đơn vị, thì hàm lượng giá trị gia tăng chỉ khoảng 17 đơn vị, cũng có nghĩa là khu vực này ngày càng kém hiệu quả, lượng đầu tư ngày càng phải tăng lên để bù đắp cho sự kém hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là bằng chứng nữa cho thấy, sau hơn 10 năm phát triển, ngành công nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn là một nền công nghiệp gia công.
GDP tăng 1%, ô nhiễm môi trường làm mất 3% GDP
Ngoài nỗi lo về hiệu quả, nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Thế Chinh và Đặng Quốc Thắng, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho thấy: Những ngành tiêu tốn tài nguyên, sử dụng nhiên liệu hóa thạch lớn gây ô nhiễm môi trường đang chiếm tỉ trọng lớn trong nền kinh tế như ngành khai thác khoáng sản, sản xuất năng lượng, sản xuất vật liệu xây dựng, đóng tàu… Trong khi đó, chúng ta còn ít chú ý đến phát triển các ngành công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, hàm lượng khoa học cao.
“Thiệt hại kinh tế do ô nhiễm, suy thoái môi trường rất lớn. Theo ước tính, nếu GDP Việt Nam trong 10 năm tới tăng gấp đôi mà không quan tâm đúng mức tới công tác bảo vệ môi trường thì ô nhiễm môi trường sẽ tăng lên 3 lần so với hiện nay. Đến năm 2025 có thể tăng gấp 4-5 lần, GDP cứ tăng 1% thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi 3% GDP” - những cảnh báo đầy lo ngại của nhóm tác giả.
GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài cho rằng: Tôi rất phản đối đi lên công nghiệp hóa đến năm 2020 của chúng ta. Công nghiệp sắt thép, hóa dầu là những ngành công nghiệp cổ điển. Các nước đi trước đã phải chịu rất nhiều hậu quả do phát triển công nghiệp cổ điển: ô nhiễm môi trường, khí thải nhà kính… Chúng ta đi sau phải lựa chọn ngành nào cần tập trung phát triển. Trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chúng ta có quyền lựa chọn phát triển ngành nghề nào thích ứng với tương lai phát triển của thế giới. Trong cuốn Làn sóng thứ 3 có 4 ngành công nghệ trụ cột là công nghệ vi sinh, công nghệ vũ trụ, công nghệ đại dương, công nghệ vi sinh. Chúng ta phải coi đây là các ngành tương lai của chúng ta.
GS.TSKH Nguyễn Mại dẫn chứng: Hiện nay, công suất của các nhà máy hóa dầu đã đạt 40-50 triệu tấn. Nhưng lượng khai thác dầu tối đa của chúng ta chỉ 15 triệu tấn/năm. Như vậy, chúng ta phải nhập 35 triệu tấn để sản xuất ra dầu tinh để XK. Do đó Chính phủ nên thận trọng cân nhắc phát triển công nghiệp gang thép, hóa dầu. Chúng ta nên dành đất đai đó, tiềm năng con người đó để phát triển các ngành công nghiệp tương lai như tôi đã nói ở trên.
Những điều GS.TSKH Nguyễn Mại bày tỏ cũng là điều đã được thể hiện trong Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam. Nhưng vì sao đến bây giờ và ít nhất trong 10 năm tới, thép, xi măng, hóa dầu vẫn là ngành chiếm tỉ trọng lớn trong nền kinh tế Việt Nam? Ngay cả các đại dự án FDI được cho là công nghệ cao như của Samsung, Nokia, LG vẫn chỉ dừng ở mức gia công, lắp ráp? Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng: Nếu không có Samsung, LG, Nokia, không có những DN đầu tư vào sản xuất thì lấy đâu ra việc làm cho hàng triệu lao động. Trong quá trình bước lên nấc thang giá trị mới, nền kinh tế, nền nhân lực của chúng ta có đáp ứng được không? Điều này cần phải có thời gian. Cho nên giai đoạn trước mắt chúng ta vẫn còn cần ngành nghề kinh doanh thâm dụng lao động. Chúng tôi không phủ nhận định hướng phát triển vào các ngành giá trị gia tăng cao, ít gây ô nhiễm môi trường, đó là tương lai chúng ta cần hướng tới. Thế nhưng đến lúc nào đạt được nấc thang đó thì phải có lộ trình, có sắp xếp thứ tự ưu tiên do nguồn lực của chúng ta còn hữu hạn.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Với thực trạng của nền kinh tế nước ta hiện nay, việc kỳ vọng cao và tập trung quá nhiều nguồn lực vào đầu tư phát triển khoa học cơ bản có thể là một sai lầm, gây lãng phí nguồn lực hạn hẹp của đất nước. Đầu tư vào lĩnh vực này đòi hỏi lượng vốn đầu tư lớn, thêm vào đó là lực lượng lao động có tay nghề cao, liệu sau đó sản phẩm từ lĩnh vực này có thể bù đắp được chi phí lớn như vậy không? Hiện nay Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng với tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động cao, cộng thêm các điều kiện về vốn và nhân lực còn hạn chế, có thể nói rằng chúng ta vẫn nên coi trọng những ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động để tận dụng lực lượng lao động dồi dào hiện có. Nên coi việc ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ ở nước ta là trọng tâm, là một đặc thù, theo đó các nhà nghiên cứu khi có các ý tưởng mới, sáng kiến mới được áp dụng vào sản xuất cũng phải được đãi ngộ như người có vốn, có sức lao động. PGS. TS. Nguyễn Danh Sơn, Học viện Khoa học xã hội: Chiến lược tăng trưởng xanh xác định 2011 – 2020 giảm cường độ phát thải khí nhà kính 8 – 10% so với 2010, giảm tiêu hao năng lượng/GDP 1 – 1,5%/năm và các mức giảm này sẽ tăng lên cho giai đoạn hướng tới các mốc 2030, 2050. Do đó việc đổi mới, nâng cấp công nghệ sản xuất sẽ là bài toán đầy thách thức. Công nghiệp hóa "sạch" được xác định là cách thức xanh hóa sản xuất mà đã nhiều thập kỷ qua được phát động dưới tên gọi sản xuất sạch hơn nhưng cho đến nay kết quả và hiệu quả còn rất khiêm tốn. Một lý do hàng đầu được xác định là sự vênh nhau cả trong liên kết sản xuất và cả trong cơ chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện: Công nghiệp, nông nghiệp xanh, sạch hơn nhưng tài chính chưa "xanh" hay chậm "xanh" hơn hoặc sản phẩm xanh, sạch hơn nhưng tiêu dùng sản phẩm chưa xanh hay chậm xanh hơn, … Nhóm tác giả Nguyễn Bích Lâm, Bùi Trinh (Tổng cục Thống kê): “Trong nhiều năm qua, các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia ở Việt Nam thường đề cao cấu trúc kinh tế theo thứ tự ưu tiên: Công nghiệp, dịch vụ, cuối cùng là nông nghiệp. Kết quả nghiên cứu này cho thấy, đó dường như là một cấu trúc sai lầm; nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong những năm qua không tạo ra nhiều giá trị gia tăng, mà chỉ làm tăng thâm hụt thương mại. |
Nguồn tin: Hải quan