Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Công nghiệp Việt Nam chờ đột phá

 Công nghiệp được coi là một trong những động lực để thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Thế nhưng, sự phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam thời gian qua vẫn tồn tại khá nhiều bất cập. Nếu không có những đột phá để có thể thúc đẩy sự tăng trưởng trở lại của công nghiệp, Việt Nam sẽ rất khó khăn để có thể thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa.


Một số ngành công nghiệp ưu tiên có tốc độ tăng trưởng cao nhưng chủ yếu phát triển mang tính “hớt váng”. Ảnh: Phan Thu.

Tôi cho rằng cần phải chỉ ra những điểm còn yếu, tắc nghẽn trong phát triển các ngành nghề một cách rõ nét và đúng hơn thì mới mong cơ cấu lại ngành công nghiệp Việt Nam. Ví dụ trong ngành công nghiệp cơ khí, cần ưu tiên phát triển nhanh các nhóm ngành và sản phẩm cơ khí trọng điểm có lợi thế cạnh tranh trên cơ sở có nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Mục tiêu tổng quát của ngành cơ khí đến năm 2025 là sản xuất cơ khí khai thác trên 90-95% năng lực ngành, đáp ứng tối thiểu 55-60% nhu cầu thị trường nội địa, sản phẩm XK chiếm 34-36% giá trị sản lượng.

Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam

Nhiều ngành “hớt váng”

Nhìn lại chặng đường 10 năm (2006-2015), không thể phủ nhận thực tế ngành công nghiệp Việt Nam đã thu được những kết quả. Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, giá trị sản xuất công nghiệp Việt Nam sau 10 năm qua tăng cao gần 3,5 lần, từ 0,3 triệu tỷ đồng lên 1,17 triệu tỷ đồng với tỉ trọng đóng góp vào GDP duy trì ổn định khoảng 31-32% và trở thành ngành đóng góp nhiều nhất cho ngân sách nhà nước. Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp 10 năm qua đạt 7,3%/năm, là mức cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân (trung bình của toàn nền kinh tế là 6,4%/năm).

Cơ cấu phát triển các ngành công nghiệp đã có sự dịch chuyển tích cực theo hướng tăng dần tỉ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao và giảm dần tỉ trọng các ngành công nghiệp thô và sơ chế. Không chỉ vậy, công nghiệp còn trở thành ngành XK chủ đạo của nền kinh tế với quy mô và tốc độ tăng trưởng XK đạt ở mức cao, một số ngành có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Chuyển dịch cơ cấu phát triển các ngành công nghiệp đã dần theo hướng các ngành có giá trị gia tăng cao và giá trị XK lớn, tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng qua các năm.

Mặc dù đã đạt được nhiểu kết quả song ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cũng thẳng thắn thừa nhận, có nhiều điểm nghẽn trong phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam. Theo đó, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp đang có dấu hiệu chững lại trong những năm gần đây, từ 14,3%/năm của giai đoạn 2006-2010 xuống còn 10%/năm trong giai đoạn 2011-2015 và giảm hầu hết trong các nhóm ngành công nghiệp.

Năng suất lao động của Việt Nam chưa được cải thiện đáng kể, đặc biệt là nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo, trong khi đây là nhóm ngành động lực cho phát triển công nghiệp, đã làm nới rộng khoảng cách về năng suất của ngành công nghiệp Việt Nam so với các nước trên thế giới. Ông Hưng dẫn chứng: “Năng suất lao động công nghiệp Việt Nam bị “bỏ xa” so với các nước phát triển và các nước trong khu vực, cụ thể: Năng suất lao động của Nhật Bản cao gấp 39 lần của Việt Nam, Singapore cao gấp 26 lần, Hàn Quốc cao gấp 16 lần và Trung Quốc cao gấp 2 lần”.

Một điểm nghẽn khác được ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương chỉ ra đó là chính sách phát triển một số ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn chưa đạt mục tiêu đề ra. Trên thực tế, chúng ta đã chọn ra những ngành công nghiệp mũi nhọn như dệt may, da giày, chế biến nông-lâm-thủy sản, sản phẩm cơ khí trọng điểm… nhưng có quá nhiều ngành công nghiệp ưu tiên trong các thời kỳ đã ảnh hưởng đến tập trung nguồn lực trong thúc đẩy đầu tư và phát triển các ngành công nghiệp. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, mặc dù có tới 5 ngành công nghiệp ưu tiên có tốc độ tăng trưởng cao trong top 10 ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011-2015 là dệt may, da giày, hóa chất, thép và điện tử. Tuy nhiên, các ngành công nghiệp này đều phát triển mang tính “hớt váng”, tức là Việt Nam chỉ thực sự tham gia được ở vài khâu trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp này, do đó giá trị gia tăng mang lại đều thấp.

Không đột phá khó công nghiệp hóa

Có thể nói, đây mới chỉ là những điểm nghẽn nổi cộm, còn trong báo cáo của Bộ Công Thương thống kê lên tới hàng chục điểm nghẽn. Trong khi những điểm nghẽn này chưa được khắc phục thì ngành công nghiệp Việt Nam đang đứng trước vô vàn những thách thức đến từ hội nhập, xu hướng cải tiến công nghệ sản xuất theo hướng xanh hơn, sự chuyên môn hóa của chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến gần.

Theo phân tích của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương), cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn cầu là cơ hội để Việt Nam có thể tận dụng xử lý hàng loạt vấn đề lớn trong phát triển kinh tế đất nước và tái cơ cấu trong lĩnh vực công nghiệp để bắt kịp xu hướng phát triển công nghiệp, cải tiến mô hình tổ chức sản xuất công nghiệp. Song nhiều thách thức lớn trong ngắn và trung hạn cũng được đặt ra. Chẳng hạn như lợi thế về lao động, nhất là lao động chi phí thấp, lợi thế về tài nguyên sẽ giảm đáng kể; các ngành sản xuất thâm dụng lao động, thâm dụng tài nguyên sẽ mất lợi thế và sẽ bị thu hẹp. Dệt may, giầy da, gia công lắp ráp... đang là lợi thế của nước ta hiện nay có thể sớm trở thành bất lợi; hàng triệu lao động có thể mất việc làm và phải chuyển đổi việc làm. Tổ chức Lao động quốc tế dự báo, khoảng 56% việc làm ở Đông Nam Á có khả năng bị thay thế bởi công nghệ trong 2 thập kỷ tới. Tiến bộ công nghệ sẽ gia tăng nhu cầu lao động có kỹ năng cao, làm trầm trọng thêm khoảng cách thu nhập giữa lao động có kỹ năng và không có kỹ năng.

Từ những thực tế nêu trên, nếu Việt Nam không cải tiến công nghiệp và dịch chuyển nhanh sang các ngành công nghiệp công nghệ cao hơn, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu sẽ khó có cơ hội để cải thiện tốc độ tăng trưởng. Dẫn ra kinh nghiệm của một số quốc gia công nghiệp hóa thành công như Nhật Bản, Hàn Quốc, ông Dương Duy Hưng cho biết thêm, ở giai đoạn đầu phát triển công nghiệp cả 2 quốc gia này có đặc trưng tốc độ tăng trưởng rất cao, tăng trưởng hơn 30%/năm. Trong khi đó, Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của công nghiệp hóa nhưng độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp đang giảm dần. “Do đó, nếu không có những đột phá để có thể thúc đẩy sự tăng trưởng trở lại của công nghiệp, Việt Nam sẽ rất khó khăn để có thể thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa”, một đại diện của Bộ Công Thương đánh giá.

Vậy cho nên, việc nhanh chóng xây dựng kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2017-2020 hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững là việc làm cấp bách. Được biết hiện nay Bộ Công Thương đã xây dựng xong dự thảo này và đang lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng DN, chuyên gia, bộ ngành có liên quan. Bản dự thảo đã đến tay nhiều DN song về chất lượng nội dung còn chưa đạt. Thiết nghĩ, một lĩnh vực có tác động vô cùng lớn đến tăng trưởng kinh tế rất cần sự đầu tư, tâm huyết của những người vừa có tâm, vừa có tài, có trách nhiệm để bản kế hoạch đi vào thực tiễn.

Dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2017-2020 hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững bao gồm 8 nhóm nội dung.

1, Nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng trong các ngành công nghiệp; tập trung phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên có khả năng lan tỏa cho toàn ngành công nghiệp khác; đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững.

2, Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước ra khỏi các doanh nghiệp nhà nước nhằm tạo ra môi trường bình đẳng cho các nhà đầu tư và khu vực tư nhân, đặc biệt là trong tiếp cận các nguồn lực tự nhiên.

3, Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp tư nhân, phát triển các doanh nghiệp có thương hiệu và sức cạnh tranh quốc tế; hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa; tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp nội địa với các doanh nghiệp FDI.

4, Điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp phù hợp với định hướng cơ cấu lại các ngành công nghiệp, dịch chuyển dần các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên và lao động từ các trung tâm kinh tế lớn về các địa phương khác và thay thế bằng các ngành công nghiệp thâm dụng công nghệ và chất xám; hình thành các cụm ngành chuyên môn hóa phát triển các ngành công nghiệp.

5, Xây dựng, hoàn thiện thể chế và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hỗ trợ thực hiện cơ cấu lại ngành công nghiệp.

6, Xây dựng năng lực hỗ trợ cơ cấu lại các ngành công nghiệp.

7, Thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực nhằm cung cấp các giải pháp hỗ trợ thực hiện cơ cấu lại ngành công nghiệp.

8, Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức cho các bên liên quan nhằm hỗ trợ thực hiện cơ cấu lại ngành công nghiệp.

Nguồn tin: Hải quan

ĐỌC THÊM