Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 15/8: Tăng khả năng phòng vệ cho doanh nghiệp ngành thép

Góc nhìn báo chí hôm nay đề cập nhiều đến vấn đề hoàn thiện khung khổ pháp lý, cũng như nâng cao khả năng phòng vệ thương mại cho các doanh nghiệp ngành thép.

Cụ thể, Báo điện tử VietnamPlus của Thông tấn xã Việt Nam có bài “Tăng khả năng phòng vệ cho doanh nghiệp ngành thép”.

Bài báo viết, để tăng xuất khẩu nhưng vẫn tránh được tác động từ các vụ kiện, các chuyên gia cho rằng cần hoàn thiện khung khổ pháp lý cũng như nâng cao hơn nữa khả năng phòng vệ từ chính các doanh nghiệp thép.

Tác giả bài báo cũng trích lời ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, mặt hàng thép có truyền thống bị khởi kiện không phải mới xuất hiện những năm gần đây. Nguyên nhân là do các nước đều có chủ trương phát triển ngành sản xuất nội địa trong khi thép là ngành công nghiệp cơ bản. Thép cũng là đầu vào của nhiều ngành khác nhau, cho nên khi khởi kiện, áp thuế cho sản phẩm thép tức là gián tiếp bảo hộ ngành hạ nguồn.

Thời gian tới, để xuất khẩu mặt hàng sắt thép ổn định, bền vững, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn thiện và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại. Đồng thời, khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu phải luôn theo dõi sát thông tin, thường xuyên trao đổi với đối tác nhập khẩu để nắm bắt thông tin sớm về khả năng bị kiện, vận động sớm để cơ quan điều tra không khởi xướng vụ việc.

Liên quan đến vấn đề thương mại điện tử, tờ BnewS của Thông tấn xã Việt Nam đăng bài “Thuế thương mại điện tử: Công bằng với các loại hình kinh doanh”.

Nội dung bài báo đăng, theo số liệu công bố của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), tốc độ tăng trưởng trung bình doanh thu thương mại điện tử bán lẻ của hai năm 2020 và 2021 đạt 17%/năm, với tổng doanh thu 13,7 tỷ USD, chiếm 7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước năm 2021. Đặc biệt, giai đoạn dịch bệnh đã góp phần tạo thói quen mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng, nhất là ở những thành phố lớn.

Dự báo năm 2022, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam khoảng từ 17 - 20%, đưa doanh thu thương mại điện tử bán lẻ đạt trên 16 tỷ USD, dự kiến chiếm khoảng 7,5% doanh thu hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Về lĩnh vực năng lượng, trên trang nhất Báo Công an Nhân dân sáng nay có bài “Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Tạo bước đột phá về thể chế, đưa nguồn tài nguyên dầu khí phục vụ phát triển đất nước”.

Tác giả bài báo viết, Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2022, kỳ vọng sau khi ban hành sẽ tháo gỡ những vướng mắc, tạo ra bước đột phá về thể chế để thúc đẩy phát triển hoạt động dầu khí, tiếp tục đưa nguồn tài nguyên dầu khí vào phục vụ cho sự phát triển đất nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh kinh tế và an ninh quốc gia trên biển.

Đến nay, Dự thảo Luật đã nhiều lần được góp ý, bổ sung, chỉnh lý và đang đi đến giai đoạn hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét thông qua.

“Đổi mới công nghệ, tiếp cận nguồn nhân lực và nguồn vốn là những đòi hỏi cấp thiết cho công nghiệp chế biến, chế tạo để phát triển bền vững trong chuỗi cung ứng toàn cầu” - là nội dung bài viết “Công nghiệp chế biến, chế tạo cần những “cú hích” hiệu quả” đăng trên Báo điện tử VOV sáng nay.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tính riêng trong tháng 6 và 7/2022, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục xu hướng giảm so với các tháng trước đó, chủ yếu do sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép các loại, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện. Đồng thời, kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng chiến lược khác như xơ, sợi dệt các loại; gỗ và các sản phẩm gỗ; giầy dép các loại; dây điện và cáp điện… cũng giảm.

Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn được đánh giá là ngành có nhiều triển vọng. Tính từ đầu năm đến hết tháng 7, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã đạt trên 15,41 tỷ USD, bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2021. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Nguồn tin: Công thương

ĐỌC THÊM