Công ty Gang thép Thái Nguyên là khu công nghiệp đầu tiên của cả nước có dây chuyền sản xuất liên hợp khép kín từ khai thác than mỡ, quặng sắt, thu mua và chế biến thép phế, luyện cốc, thiêu kết, đến luyện gang, luyện và cán thép.
Từ ngày 1/7/2009, công ty chính thức chuyển đổi từ doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên (TISCO). Hiện công ty đã có tới 17 chi nhánh đơn vị thành viên với gần 6.000 lao động và 8 công ty cổ phần có vốn góp của công ty tại 9 tỉnh phía Bắc và các nhà máy sản xuất chính đóng tại khu vực Lưu Xá thuộc phía Nam thành phố Thái Nguyên.
Hơn 50 năm xây dựng và phát triển, doanh nghiệp đã gây dựng thành công thương hiệu TISCO có uy tín trên thị trường thép và luôn giữ được vai trò đầu đàn trong nhiệm vụ bình ổn giá thép theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương.
Năm 2009 mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, song nhờ nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, khai thác các nguồn lực nâng cao hiệu quả sản xuất, công ty đã từng bước vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh tăng trưởng, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động. Năm 2009 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2.240 tỷ đồng tăng 13% so với năm 2008, tổng doanh thu đạt 6.658 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt trên 4.000.000đ/người/tháng. Bước sang năm 2010 mặc dù gặp nhiều khó khăn, song quý I, công ty thực hiện được giá trị SXCN đạt 558,3 tỷ đồng bằng 26,3% kế hoạch năm, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2009; thép cán sản xuất đạt 146.116 tấn bằng 26,4% kế hoạch năm tăng 5,8% so với cùng kỳ 2009; tiêu thụ đạt 157.740 tấn bằng 28% kế hoạch năm tăng 11,9% so với cùng kỳ 2009; doanh thu đạt 1.993 tỷ đồng bằng 30,5% kế hoạch năm tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2009; nộp ngân sách trên 52 tỷ đồng tăng 9% so với cùng kỳ năm 2009.
Từ thành công của dự án đầu tư cải tạo sản xuất giai đoạn I, công ty tiếp tục thực hiện dự án đầu tư cải tạo sản xuất giai đoạn II nhằm tăng sản lượng phôi thép tự sản xuất thêm 500.000 tấn/năm với tổng vốn đầu tư khoảng 3.800 tỷ đồng. Dự án giai đoạn II đã được khởi công từ ngày 29/9/2007, dự kiến sẽ đi vào sản xuất vào đầu năm 2011. Bên cạnh đó, công ty đã đầu tư khởi công xây dựng nhà máy cán thép Thái Trung có công suất 500.000 tấn/năm, trong đó công ty nắm giữ cổ phần chi phối là 51%. Ngoài ra, công ty còn đầu tư nhà máy sản xuất Hợp kim sắt tại Phú Thọ, công suất 30.000 tấn/năm dự kiến đi vào sản xuất trong năm 2010, đồng thời triển khai đưa các dự án đầu tư vào sản xuất như: Dự án nâng công suất Nhà máy Luyện Thép Lưu Xá lên 450.000 tấn/năm, dự án phun than lò cao Nhà máy Luyện Gang...
Có thể nói sau hơn 8 tháng chuyển sang mô hình cổ phần hoá, công ty đã thích nghi với mô hình quản lý mới, tính chủ động của doanh nghiệp tăng cao tạo điều kiện cho những quyết sách kịp thời trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, khi chuyển sang hoạt động theo mô hình mới, công ty cũng phải chịu nhiều áp lực hơn, đơn cử với số vốn điều lệ 1.840 tỷ đồng, hiện nay công ty phải đạt được mức lợi nhuận trước thuế khoảng 300 tỷ đồng mới đảm bảo tỷ lệ trả cổ tức cho các cổ đông. Đây là nhiệm vụ tương đối nặng nề đặt ra cho lãnh đạo và CBCNV công ty, bởi nếu thống kê mức lợi nhuận của doanh nghiệp từ những năm trước cho thấy năm cao nhất công ty cũng chỉ đạt trên 130 tỷ đồng.
Trước yêu cầu của nhiệm vụ trong thời kỳ mới, ông Trần Văn Khâm, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc công ty cho biết: Chúng tôi chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ các biện pháp về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên tất cả các lĩnh vực từ việc xây dựng kế hoạch tiết kiệm đến việc ban hành, tổ chức thực hiện. Ngay từ đầu năm, công ty đã tổ chức rà soát các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đối với từng đơn vị, tăng cường kiểm tra việc thực hiện các chỉ tiêu tiêu hao, kịp thời điều chỉnh định mức cho phù hợp với điều kiện sản xuất của công ty; thực hiện khoán giá thành, khoán chi phí tiết kiệm bắt buộc, giảm chi phí mua sắm trang thiết bị văn phòng, chi phí điện thoại... nhằm đảm bảo sản xuất kinh doanh có hiệu quả”.
Bên cạnh đó, tích cực triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất một số sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, khuyến khích phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất tăng năng suất lao động, giảm chi phí. Chỉ tính riêng năm 2009, toàn công ty có 543 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất với tổng giá trị làm lợi trên 5,8 tỷ đồng. Với các biện pháp kiên quyết nêu trên và sự nỗ lực trong kinh doanh, xây dựng cơ bản, cả năm công ty đã tiết kiệm 41,7 tỷ đồng, thành tích không nhỏ góp phần quan trọng vào hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty.
Năm 2010, thực hiện phương châm: “Tiêu thụ – Hiệu quả” công ty phấn đấu đạt được hiệu quả cao hơn trong sản xuất kinh doanh và quyết tâm thực hiện nhiệm vụ góp phần bình ổn giá thép theo chương trình bình ổn giá của Thủ tướng Chính phủ. Tin rằng, với sự nỗ lực của lãnh đạo, tập thể CBCNV thương hiệu TISCO sẽ luôn toả sáng xứng đáng là cánh chim đầu đàn của ngành thép Việt Nam.
VEN