CPI nhóm hàng lương thực tháng 5/2017 chỉ tăng gần 3% so với kỳ gốc năm 2014, trong khi CPI nhóm thực phẩm tương ứng thậm chí giảm trên 0,5%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2017 đột ngột giảm lần đầu tiên trong vòng 20 tháng qua, âm (-) tới 0,53% so với tháng trước. Dù ở các mức so sánh khác, CPI vẫn tăng khá cao nếu so với các con số tương ứng của năm 2015 và 2016 (tăng 3,19% so với cùng kỳ năm trước; tăng 0,37% so với tháng 12 năm trước; CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm trước tăng 4,47%), nhưng việc CPI giảm mạnh ở thời điểm giữa năm này phát đi cảnh báo về một sự bất cân đối nào đó.
Ảnh minh họa
Xem xét các tác động đến mặt bằng giá chung, thể hiện qua CPI, có thể nguyên nhân đến từ: yếu tố tiền tệ, tiêu dùng, sản xuất, hoặc tác động từ thị trường ngoài nước. Với yếu tố từ bên ngoài, tác động đáng chú ý nhất đến từ nhập khẩu nguyên, nhiên liệu sản xuất. Tuy nhiên, nhìn vào diễn biến xăng dầu, gas… lại không cho thấy quan ngại tác động mạnh đến lạm phát của 5 tháng vừa qua.
Giá xăng dầu hiện nay đang ở mức thấp hơn hồi đầu năm. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, việc giảm giá xăng dầu vào các ngày 5/5/2017 và ngày 20/5/2017 dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu giảm 0,71% so với tháng trước, góp phần giảm CPI chung khoảng 0,03%. Trong khi đó từ ngày 1/5/2017, giá gas trong nước điều chỉnh giảm 23.000 đồng/bình 12 kg, tương ứng giảm 6,73% so với trước đó…
Với yếu tố tiền tệ, cho dù tín dụng tăng trưởng năm 2017 cho đến thời điểm này là nhanh so với các năm gần đây, NHNN vẫn duy trì trạng thái bơm ròng trên OMO nếu tổng hợp dữ liệu từ đầu năm đến nay… nhưng tác động lên lạm phát không nhiều. Cân đối tiền-hàng vẫn đang thể hiện trong trạng thái ổn định.
Theo cơ quan thống kê, lạm phát cơ bản tháng 5/2017 chỉ tăng 0,08% so với tháng trước, tăng 1,33% so với cùng kỳ; 5 tháng đầu năm 2017 so cùng kỳ tăng 1,56%. Tất cả các mức so sánh trên đều thấp hơn con số tương ứng từ năm 2011 trở lại đây. “Bình quân 5 tháng lạm phát cơ bản tăng 1,56% so với cùng kỳ, thấp hơn mức kế hoạch 1,6-1,8%, cho thấy chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định”, báo cáo của Tổng cục Thống kê nêu nhận xét trên.
Về phía cầu tiêu dùng, thực tế trong bối cảnh tăng trưởng không cao, nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng chi tiêu dùng vẫn tăng khá ấn tượng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm nay tăng khoảng10,2%so với cùng kỳnăm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,4%, chỉ thấp hơn chút ít so với mức 7,9% của cùng kỳ năm 2016. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóatăng cao hơn mức tăng chung, đặc biệt ở các nhóm hàng lương thực, thực phẩm…
Vậy, phải chăng chỉ còn nguyên nhân từ sản xuất?
Tăng trưởng tiêu dùng vào nhóm hàng lương thực, thực phẩm thực tế có nguyên nhân của nó - giá giảm kích thích mua sắm nhiều hơn. Theo Tổng cục Thống kê, CPI nhóm hàng lương thực tháng 5/2017 chỉ tăng gần 3% so với kỳ gốc năm 2014, trong khi CPI nhóm thực phẩm tương ứng thậm chí giảm trên 0,5%.
Ngay tại thời điểm “bão” giảm giá thịt lợn hiện nay (giá thịt lợn giảm gần 10% so tháng trước), tác động giảm giá của nhóm hàng tươi sống đến CPI còn mạnh mẽ hơn. “Chỉ số giá nhóm thực phẩm giảm 2,27% làm CPI chung giảm khoảng 0,51%...”, Tổng cục Thống kê cho biết.
Nhìn lại nguyên nhân giá lương thực, thực phẩm, đặc biệt là nhóm thịt tươi sống tăng giá chậm, thậm chí nhiều thời điểm xuống giá mạnh, có thể thấy vấn đề điều tiết cung cầu dường như đang không phù hợp. Xuất khẩu gạo phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống, đã nhiều lần rớt giá thê thảm. Thịt tươi sống cũng vậy, lần này là do nguồn cung tăng mạnh trong khi nhu cầu không tăng và nhiều tháng qua thương lái Trung Quốc hạn chế thu mua.
Chính vì thế, khi nhìn vào các mức tăng CPI của lương thực, thực phẩm khá thấp hiện nay so với kỳ gốc, đặt trong tương quan với mức tăng rất cao của dịch vụ y tế và giáo dục, thì thấy việc sản xuất hạt gạo, hay nuôi con lợn của người nông dân cần được định hướng để sao cho đảm bảo sản lượng đi liền với giá trị tối ưu thu về. Có như thế người nông dân mới trả được học phí cho con, trang trải tiền viện phí cho người thân khi đau ốm…
Nguồn tin: ANTT