Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

CPI năm 2016 tăng 4,74%, kiềm chế lạm phát thành công

 Tổng cục thống kê cho biết CPI tháng 12 năm 2016 tăng 0,23% so với tháng trước, tăng 4,74% so với tháng 12 năm trước.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống Kê Nguyễn Bích Lâm cho hay năm 2016 bình quân mỗi tháng CPI tăng 0,4%; CPI tháng 12 năm 2016 tăng 4,74% so tháng 12 năm 2015, thấp hơn so với mục tiêu 5% của Quốc hội đặt ra.

Năm 2016 được coi là thành công trong việc kiểm soát lạm phát trong điều kiện giá một số mặt hàng thiết yếu tăng trở lại nhưng nhờ lạm phát thấp nên Nhà nước vẫn có dư địa điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý tiệm cận dần theo giá thị trường.

Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, có 3 yếu tố làm cho CPI tăng và 5 yếu tố góp phần làm giảm CPI. Cụ thể CPI tăng do điều hành của Chính phủ tăng giá dịch vụ y tế, tăng học phí theo lộ trình tại Nghị định 86, tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động ở các doanh nghiệp từ 1/1/2016.

Bên cạnh đó, nguyên nhân thứ hai là yếu tố thị trường, các dịp nghỉ lễ, Tết kéo dài kéo theo sự gia tăng của các chỉ số giá nhóm hàng ăn uống, dịch vụ, chỉ số giá nhóm du lịch trọn gói tăng 3,75% so với tháng 12 năm trước, ngoài ra các nhóm may mặc, đồ uống và thuốc lá cũng có chỉ số giá tăng cao.

Việc biến động của giá xăng dầu trong nước cũng tác động mạnh đến CPI. Giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 12 đợt tăng (vào các tháng 3,4,5,6,9,10,11,12), theo đó, giá xăng dầu trong quý II tăng 1,1%, quý III tăng 6,5%, quý IV tăng 5,69% so với quý trước.

Thời tiết khắc nghiệt, rét hại, rét đậm ở miền Bắc, bão lũ ở miền Trung, khô hạn ở miền Trung, Tây nguyên và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long đã đẩy giá lúa, gạo trên thị trường tăng cao. Chỉ số giá nhóm lương thực tháng 12 năm 2016 tăng 2,57% so với tháng 12 năm trước.

Do thời tiết nóng lạnh thất thường nên nhu cầu dùng điện sinh hoạt tăng cao, theo đó chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 2,03% so năm trước.

5 yếu tố kiềm chế lạm phát năm 2016

Tổng cục Thống kê cho biết, bên cạnh những yếu tố gây tăng giá đề cập ở trên, trong năm 2016 cũng có 5 yếu tố góp phần kiềm chế chỉ số CPI.

Thứ nhất, mặc dù trong dịp Tết Nguyên Đán nhu cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng nhưng do giá xăng dầu và giá cước vận tải trong các tháng đầu năm giảm, nguồn cung hàng hóa dồi dào đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của nhân dân nên giá lương thực, thực phẩm không tăng cao. Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống năm 2016 chỉ tăng 2,36% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức 4% của năm 2014 hay mức 8,12% của năm 2012.

Thứ hai, giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới khá ổn định, một số mặt hàng có xu hướng giảm mạnh trong quý I và quý III như giá nhiên liệu, chất đốt, sắt thép nên chỉ số giá nhập khẩu năm 2016 so năm 2015 giảm 5,35%, chỉ số giá xuất khẩu giảm 1,83%; chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp (PPI) giảm 0,49%.

Thứ ba, giá nhiên liệu trên thị trường thế giới những tháng cuối năm 2015 và hai tháng đầu năm 2016 giảm mạnh, nên giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm 10 đợt (vào các tháng 1,2,7,8,11). Giá dầu Brent bắt đầu tăng trở lại từ giữa tháng 3 năm 2016, bình quân từ thời điểm 01/1/2016 đến thời điểm 20/12/2016 ở mức 44,96$/thùng, tuy nhiên mức này vẫn thấp hơn nhiều so với mức 54,65$/thùng của bình quân năm 2015. Trong nước, giá xăng dầu bình quân năm 2016 giảm 15,95% so năm trước và giảm 3,35% so tháng 12 năm trước, kéo theo chỉ số giá nhóm hàng giao thông năm 2016 giảm 7,31% so với năm trước và giảm 1,12% so tháng 12 năm trước.

Giá gas sinh hoạt trong nước được điều chỉnh theo giá gas thế giới, tháng 12 năm 2016 giá gas giảm 1,63% so với tháng 12 năm trước.

Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo công bố tình hình KTXH năm 2016.Ảnh H.M

Thứ tư, năm 2016 là năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Quốc hội đã thông qua mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, trong đó, tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2016 đặt ra dưới 5%. Theo đó, các ngành, các cấp đã tích cực triển khai thực hiện như ngành Công Thương phối hợp với các ngành liên quan chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại dự trữ hàng hóa, tham gia bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên Đán nên không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến vào dịp Tết.

Bộ Tài chính tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, thực hiện công tác quản lý bình ổn giá tại một số địa phương. Về quản lý giá xăng dầu, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công thương điều hành kinh doanh xăng dầu phù hợp tình hình thị trường thế giới và trong nước góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành lãi suất và tỷ giá linh hoạt phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô. Ngày 31/12/2015, NHNN đã ban hành Quyết định số 2730 công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ và biên độ giao dịch là +/-3%, theo đó tỷ giá trung tâm được điều chỉnh hàng ngày bám sát diễn biến cung cầu ngoại tệ trong nước và quốc tế, tỷ giá trung tâm biến động có tăng, có giảm.

Với phương thức điều hành tỷ giá mới, năm 2016, tỷ giá VND/USD trên thị trường khá ổn định trong 11 tháng, tuy nhiên tháng 12 do áp lực cuối năm cùng với các sự kiện chính trị thế giới và việc tăng lãi suất của Cục Dữ trữ Liên bang (FED) vào ngày 14/12/2016 làm cho tỷ giá VND/USD tháng 12 biến động mạnh nhưng vẫn nằm trong biên độ giao dịch cho phép. Giá vàng trong nước đã tiệm cận và biến động cùng xu hướng với giá vàng thế giới, không có tình trạng “sốt vàng” gây bất ổn kinh tế - xã hội.

Thứ năm, bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên Đán những năm gần đây thay đổi so với những năm trước, người dân không mua dồn dập hàng hóa vào những ngày giáp Tết, không mua tích trữ vì ngày mùng 1 Tết đã có chợ, do đó không tạo áp lực lên giá cả hàng hóa vào tháng Tết.

Đề xuất kiểm soát lạm phát năm 2017

Để kiểm soát lạm phát năm 2017 với mục tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4% của Quốc hội, Tổng cục Thống kê đề xuất, Bộ Tài chính, KH&ĐT, Ngân hàng Nhà nước cần chủ động phối hợp chặt chẽ trong đánh giá tình hình giá cả, xây dựng các phương án điều hành giá, lãi suất và tỷ giá để chủ động kiểm soát lạm phát. Trước khi điều chỉnh giá của các loại hàng hóa và dịch vụ trên cần tính toán, thống nhất và báo cáo Chính phủ.

Đối với mặt hàng xăng dầu và mặt hàng điện, Bộ Công thương và Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu phù hợp để hạn chế mức tăng giá mặt hàng này đến CPI chung. Bộ Công thương chủ động đưa ra các phương án tăng giá điện để tính toán các mức độ ảnh hưởng đến chỉ số CPI, chỉ số giá sản xuất và tăng trưởng GDP.

Tổng cục Thống kê cũng đề nghị thực hiện các đợt điều chỉnh giá các mặt hàng dịch vụ y tế, giáo dục trùng với các thời điểm đã điều chỉnh trong năm 2016 để chỉ số bình quân năm hạn chế tăng cao. Đề nghị thời gian thực hiện điều chỉnh giá các loại mặt hàng nhà nước quản lý tách ra các tháng khác nhau để giảm thiểu sự tác động lan tỏa lên chỉ số CPI.

Nguồn tin: NDH

ĐỌC THÊM