CPI quý 1/2018 tăng 2,82% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,97% so với tháng 12 năm trước...
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Theo đó, CPI tháng 3 năm nay giảm so với tháng trước, đúng theo quy luật tiêu dùng sau Tết của những năm trước đây. Cụ thể, CPI tháng 3/2018 giảm 0,27% so tháng 2/2018; tăng 2,66% so cùng kỳ năm trước; tăng 0,97% so với tháng 12 năm trước.
Như vậy, CPI quý 1/2018 tăng 2,82% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,97% so với tháng 12 năm trước.
Một số nguyên nhân gây tăng CPI trong 3 tháng đầu năm 2018, theo Tổng cục Thống kê, là do hoạt động điều hành của Chính phủ.
Giá dịch vụ y tế tăng theo Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế quy định mức khung tối đa giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế tại 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm cho chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế ba tháng đầu năm 2018 tăng 35,32% so với cùng kỳ năm trước góp phần làm cho CPI tăng 1,37%.
Thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ, một số tỉnh đã tăng học phí các cấp làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục ba tháng đầu năm 2018 tăng 6,57% so với cùng kỳ năm trước góp phần làm cho CPI tăng 0,34%.
Mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở các doanh nghiệp tăng từ ngày 1/1/2018 nên giá một số loại dịch vụ như: dịch vụ sửa chữa đồ dùng gia đình, dịch vụ bảo dưỡng nhà ở, dịch vụ sửa chữa, lắp đặt điện, nước; dịch vụ thuê người giúp việc gia đình có mức tăng giá từ 2% - 8% so với cùng kỳ năm trước.
Về yếu tố thị trường, tháng 1, tháng 2 là tháng Tết nên nhu cầu mua sắm tăng cao, giá các mặt hàng lương thực tăng 3,99% so với cùng kỳ năm trước góp phần làm cho CPI tăng 0,18% do các thương lái thu gom lúa gạo cho hợp đồng xuất khẩu sang Indonexia và Philippine.
Giá các mặt hàng đồ uống, thuốc lá và các loại quần áo may sẵn tăng cao trong dịp Tết do nhu cầu tăng, bình quân ba tháng đầu năm 2018 chỉ số giá các nhóm này lần lượt tăng 1,36% và 1,39% so với cùng kỳ năm 2017.
Giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 1,87% so với quý trước do một số đơn vị vận tải hành khách kê khai tăng giá chiều đông khách, cùng với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tăng giá vé tàu hỏa vào dịp Tết Nguyên đán.
Giá gas sinh hoạt được điều chỉnh theo giá gas thế giới, ba tháng đầu năm 2018 giá gas tăng 2,83% so với cùng kỳ năm trước.
Giá nhiên liệu trên thị trường thế giới trong ba tháng đầu năm 2018 tăng khá mạnh, bình quân từ thời điểm 1/1/2018 đến thời điểm 23/3/2018 ở mức 66,88USD/thùng, cao hơn nhiều so với mức 54,65USD/thùng của bình quân quý 1/2017.
Nhu cầu du lịch tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán, nên chỉ số giá nhóm du lịch trọn gói tăng 1,21% so với cùng kỳ năm trước.
Giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới có xu hướng tăng trở lại như giá nhiên liệu, chất đốt, sắt thép,… nên chỉ số giá nhập khẩu ba tháng đầu năm so cùng kỳ đã tăng 0,76%, chỉ số giá sản xuất công nghiệp (PPI) cũng tăng 2,64%.
Bên cạnh những yếu tố gây tăng giá đề cập ở trên, trong ba tháng đầu năm 2018 cũng có những yếu tố góp phần kiềm chế chỉ số CPI đó là chỉ số giá nhóm thực phẩm ba tháng đầu năm 2018 giảm 1,47% góp phần làm cho CPI chung giảm 0,33% so với cùng kỳ năm trước.
Giá vàng trong nước biến động cùng xu hướng với giá vàng thế giới, đồng USD yếu hơn so với "rổ" sáu đồng tiền tạo đà tăng cho giá vàng; nhu cầu vàng trong nước tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán. Đáng chú ý, năm nay ngày Thần Tài không có tình trạng "sốt vàng" gây bất ổn kinh tế - xã hội.
Nguồn tin: vnEconomy