Ngày 14/1/2019, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực với Việt Nam, sẽ có tác động rất lớn đến các ngành nghề, lĩnh vực. Riêng đối với ngành thép, các chuyên gia dự báo sẽ mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng phải đối mặt với không ít thách thức.
Hiện tại, có rất nhiều nước trong nhóm CPTPP là thị trường lớn nhập khẩu thép thành phẩm hoặc là thị trường mới của Việt Nam như Canada, Malaysia. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nguyễn Văn Sưa, đây là cơ hội cho Việt Nam tiếp cận các thị trường này để tăng kim ngạch xuất khẩu trong ngành. Cùng với đó, các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ sẽ giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu hơn.
Ở chiều ngược lại, nhiều nước trong khối này có nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất thép như quặng sắt, than mỡ, than cốc… giúp Việt Nam dễ dàng nhập khẩu nguyên vật liệu, công nghệ, thiết bị để hiện đại hóa và nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp ngành thép.
Tuy nhiên, ông Sưa cho rằng, CPTPP cũng mang tới những tác động tiêu cực cho các doanh nghiệp ngành thép, dù những tác động này là rất nhỏ. Nếu có ảnh hưởng thì lĩnh vực thép xây dựng sẽ chịu tác động mạnh hơn cả. Còn với mặt hàng tôn mạ, đây là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam trong nhiều năm qua, do vậy, cơ hội cho ngành tôn mạ sẽ lớn hơn.
Theo ông Nguyễn Đình Phúc, Tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam cho biết, mặc dù ngành thép được dự báo sẽ tiếp tục có mức tăng trưởng tốt nhưng các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn trong năm 2019 này.
Bởi nhu cầu thép trong nước vẫn chưa cho thấy dấu hiệu tích cực. Một số dự án đầu tư công tạm dừng và chưa rõ thời điểm triển khai lại, thị trường bất động sản vẫn trầm lắng. Nguồn cung lớn hơn cầu về phôi thép, thép xây dựng, tôn mạ và tiếp tục gia tăng dẫn đến cuộc cạnh tranh về giá. Khoảng cách giá nguyên liệu và sản phẩm cũng ngày càng thu hẹp khiến hiệu quả của các doanh nghiệp sản xuất từ thép dài và thép dẹt sẽ bị sụt giảm nhiều trong năm 2019.
Mặc dù hội nhập, nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết nhưng xu hướng bảo hộ thương mại và hàng rào phi thuế quan ngày càng gia tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến ngành thép. Việc áp các mức thuế chống bán phá giá từ các thị trường Mỹ, Canada, EU, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ... khiến cho xuất khẩu thép của Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, lãi suất, tỷ giá tiếp tục xu hướng tăng, ảnh hưởng đến chi phí doanh nghiệp. Giá điện có thể tăng trong năm 2019 cũng sẽ tác động trực tiếp đến chi phí giá thành của các đơn vị, trong khi đó giá đầu ra bị hạn chế do nguồn cung dư thừa...
Vì vậy, CPTPP được đánh giá mặc dù mở ra nhiều cơ hội, nhưng mặt ngược lại, ngành thép sẽ tiếp tục gặp khó khăn do những tác động khách quan và cả chủ quan nội tại còn yếu kém. Để tận dụng tốt cơ hội này, đòi hỏi các doanh nghiệp ngoài nghiên cứu, nắm bắt các nội dung, quy tắc khi tham gia Hiệp định, còn phải nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu vốn rất khó tính này.
Nguồn tin: CafeLand