Cánh cửa xuất khẩu thép vào các thị trường lớn ngày càng bị khép chặt hơn khi chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch trỗi dậy mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, theo một số chuyên gia, các nhà sản xuất thép Việt Nam cần chú ý nhiều hơn đến việc giữ và tăng cường kiểm soát thị trường nội địa vì dư địa phát triển còn rất lớn.
Thị trường nội địa ngành thép vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Ảnh: Thành Hoa
Thay đổi để ứng phó tình hình
Áp lực ngày càng đè nặng lên vai các nhà xuất khẩu thép. Ngay sau khi Mỹ đánh thuế rất cao lên sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam, thì mới đây Liên hiệp châu Âu (EU) tuyên bố áp thuế đối với 23 sản phẩm thép nhập vào thị trường này.
Cụ thể, từ ngày 19-7, EU áp mức thuế bổ sung 25% đối với 23 sản phẩm thép nhập khẩu nếu khối lượng nhập khẩu các mặt hàng này vào thị trường EU vượt hạn ngạch trung bình của ba năm qua. Động thái này của EU là nhằm ngăn chặn tình trạng thép nhập khẩu đổ vào thị trường châu Âu sau khi Mỹ tăng thuế đối với thép nhập khẩu hồi tháng 3-2018. Bức tường thuế quan vào EU ngày càng dựng cao hơn cũng khá dễ hiểu bởi đây là tác động dây chuyền khi EU lo ngại các nước xuất khẩu thép chuyển hướng sang thị trường EU sẽ đẩy các nhà sản xuất ở thị trường này vào thế bất lợi.
Đối với Việt Nam, khi hai cánh cửa xuất khẩu thép vào thị trường Mỹ và châu Âu ngày càng bị khép chặt hơn thì đồng nghĩa các nhà sản xuất và xuất khẩu thép trong nước càng gặp nhiều khó khăn, bởi xét về thị phần, hiện trong tổng lượng thép xuất khẩu của Việt Nam thì Mỹ đang chiếm 15%, EU chiếm hơn 10%, khoảng 60% sang các nước khu vực Đông Nam Á, còn lại là các thị trường khác. Hiện EU đang là thị trường lớn thứ ba của các nhà xuất khẩu thép Việt Nam nên tác động tiêu cực lên lượng thép xuất khẩu có thể sẽ rất lớn.
Trong xu hướng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang trỗi lên rất mạnh ở nhiều thị trường chứ không chỉ riêng ở Mỹ hay châu Âu, các chuyên gia cho rằng các nhà sản xuất thép của Việt Nam cần định hướng đầu tư, cơ cấu lại các dòng sản phẩm, sản xuất và phân bố thị trường hợp lý hơn, nhằm vượt khó trong hiện tại cũng như phát triển trong những năm tới.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trước sự trỗi lên của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch ở các thị trường lớn hiện nay và có thể sẽ còn mạnh hơn trong thời gian tới, các nhà sản xuất thép trong nước cần nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại để tạo ra sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý cùng với dịch vụ thị trường tốt. Song song đó, cần theo sát các diễn biến của thị trường thế giới, sự thay đổi của các “luật chơi” thương mại thế giới để có biện pháp ứng phó phù hợp. Ngoài ra, các nhà xuất khẩu thép nên tìm kiếm thêm các thị trường mới đến để tránh bị động do lệ thuộc vào một hai thị trường.
Cũng theo ông Sưa, quan trọng nhất và để bù lại sự suy giảm của thị trường xuất khẩu, các nhà sản xuất thép cần giữ bằng được thị trường nội địa vì thực tế cho thấy lượng thép từ nước ngoài đổ vào thị trường Việt Nam cũng ngày càng nhiều, cạnh tranh gay gắt với thép trong nước. Ví dụ như tôn mạ và tôn sơn phủ màu trong năm 2017 nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam lên đến gần 1,5 triệu tấn trong khi các nhà sản xuất thì lại đang tìm đường xuất khẩu các dòng sản phẩm này.
“Tự thân các nhà sản xuất khó có thể giữ được thị trường trong nước nếu thiếu các công cụ phòng vệ thương mại để ngăn chặn các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài”, ông Sưa nhận định thêm. Theo ông, nhiệm vụ này thuộc về các cơ quan chức năng liên quan. Mặc dù các cơ quan này trong thời gian qua đã nỗ lực xây dựng những hành lang pháp lý bảo vệ sản xuất trong nước nhưng vẫn còn nhiều kẽ hở để các nhà nhập khẩu lách qua, đưa thép vào.
Bảo vệ thị trường trong nước
Câu chuyện điển hình về sản phẩm thép nước ngoài ồ ạt chảy vào Việt Nam có thể nhắc đến là dòng thép xây dựng đội lốt thép hợp kim để né thuế từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam diễn ra những năm qua, khiến các nhà sản xuất thép trong nước vất vả chống chọi để giữ thị trường. Sau nhiều biện pháp ngăn chặn, đến nay lượng thép đội lốt hợp kim né thuế vào Việt Nam đã giảm dần.
Tuy nhiên, nhìn rộng ra các dòng sản phẩm khác như thép thanh, thép ống, thép cuộn, thép hình cũng như một số loại thép khác hiện vẫn có một lượng lớn nhập khẩu vào Việt Nam hàng năm trong khi các nhà sản xuất trong nước vẫn có thể cung cấp được. Điều này cho thấy ngành thép Việt Nam cần hơn nữa các biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước.
Theo các chuyên gia ngành thép, với thị trường hơn 90 triệu dân và lượng thép sử dụng bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 200 ki lô gam/người/năm thì đây là mức tiêu thụ thấp nếu so với nhiều quốc gia. Về tổng thể, ngành thép chỉ đang xuất khẩu được khoảng 20% sản phẩm và 80% lượng còn lại đang được tiêu thụ trong nước; mặt khác dư địa tiêu thụ thép còn rất lớn bởi kinh tế phát triển, tốc độ xây dựng còn tăng cao, nên theo các chuyên gia, điều mà các nhà sản xuất thép trong nước cần tập trung là giữ thị trường trong nước để tránh thua thiệt ngay trên sân nhà, đồng thời cần tăng sức cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu. Một trong những giải pháp quan trọng là đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Trên thực tế, ngành thép trong nước cũng đang đầu tư đa dạng sản phẩm, đồng thời lượng thép sản xuất và tiêu thụ tiếp tục tăng cao. Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết trong sáu tháng đầu năm nay, tổng lượng thép các loại sản xuất được là 11,7 triệu tấn (tăng 20% so với cùng kỳ), tiêu thụ được trên 10,6 triệu tấn (tăng đến gần 30% so cùng kỳ). Bên cạnh đó, lượng thép cuộn cán nóng nhập khẩu giảm đáng kể trong sáu tháng đầu năm và dự báo sẽ giảm mạnh trong cả năm nay. Nếu cả năm 2017 Việt Nam nhập khẩu khoảng 15 triệu tấn thép (trong đó có 8 triệu tấn thép cuộn cán nóng) thì dự báo năm 2018 giảm còn dưới 13 triệu tấn và tiếp tục giảm trong những năm tới.
Một số nhà sản xuất thép trong nước đã đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất trong vài năm gần đây nhằm tăng sức cạnh tranh cả nội địa lẫn thị trường xuất khẩu như Tổng công ty Thép Việt Nam, Thép Hòa Phát, Tôn Hoa Sen, Thép Việt Nhật, Pomina... Bà Võ Thị Hạnh, Giám đốc Công ty Thép Việt Pháp, nói rằng bà tin vào sự phát triển của thị trường nội địa dù có thời điểm rất khó khăn bởi sự thâm nhập của nhiều loại thép ngoại giá rẻ. Bà cho biết hoạt động của nhà máy được duy trì ổn định nhờ vào việc đầu tư bổ sung cho dây chuyền sản xuất để nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh, cải thiện hệ thống phân phối...
“Trong giai đoạn hiện nay, khi nhiều nước tăng cường đánh thuế để bảo hộ ngành sản xuất thép của họ thì tôi nghĩ các cơ quan quản lý cần tăng cường hơn nữa chính sách bảo vệ nhà sản xuất thép trong nước, bởi thép nội còn phải chống đỡ nhiều với thép ngoại”, bà Hạnh nói. Bà cũng cho rằng thị trường thép Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh trong thời gian tới với mức tăng trưởng 10-15% mỗi năm.
Theo một số chuyên gia, qua những số liệu về sản xuất, tiêu thụ, nguồn cung nguyên liệu thép của các doanh nghiệp trong nước... cho thấy dư địa để phát triển của thị trường nội địa vẫn còn nhiều khi thị trường xuất khẩu gặp khó. Nếu khai thác tốt thị trường nội địa cùng với các chính sách bảo vệ thương mại trong nước thì cũng không phải quá lo lắng một khi cánh cửa xuất khẩu vào các thị trường lớn như Mỹ, EU có bị khép chặt hơn trong thời gian tới.
Nguồn tin: Kinh tế Sài gòn