Ngày 15-10, Ban điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh (Cục Quản lý cạnh tranh) đã tìm hiểu VSA làm vậy có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không. Và nếu VSA không chứng minh được việc không vi phạm thì Cục Quản lý cạnh tranh sẽ có những biện pháp thích hợp để việc ấn định giá của các doanh nghiệp không gây ảnh hưởng đến thị trường thép và người tiêu dùng.Trao đổi với PV cùng ngày 15-10, ông Phạm Chí Cường, chủ tịch VSA, cho biết: “Chúng tôi thừa biết nếu liên kết với nhau làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng sẽ vi phạm Luật Cạnh tranh và Pháp lệnh giá và không được phép làm như vậy. Nhưng trong trường hợp này không thể áp dụng máy móc như vậy được”.
Theo giải thích của ông Cường, các doanh nghiệp thép trong nước hiện đang lỗ rất lớn và lợi nhuận rất cao của 6 tháng đầu năm không đủ bù đắp thiệt hại trong 3 tháng qua: “Hiện giá bán ra đã thấp hơn giá thành sản xuất từ 5 đến 6 triệu đồng/tấn, nếu đua nhau phá giá thấp thì doanh nghiệp nọ làm hại doanh nghiệp kia và nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản, ảnh hưởng lớn đến sự sinh tồn của ngành thép”.
Ông cũng bổ sung thêm rằng, nếu ấn định mức lãi thì chắc chắn là hành động không chấp nhận được nhưng với vai trò hiệp hội, việc điều tiết một phần hoạt động giá bán để cứu cả ngành thép trong giai đoạn hiện nay là việc làm cần thiết. VSA sẽ phải giải trình cụ thể những lý do nêu trên với Cục Quản lý cạnh tranh, trước khi có những kết luận cuối cùng.
Trước đó, Hiệp hội Ngân hàng (VBA) cũng đã có văn bản thống nhất ấn định trần lãi suất. Hành động này đã bị phản ứng dữ dội vì vi phạm Luật Cạnh tranh và sau đó VBA phải dỡ bỏ việc này.