Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa liệt kê danh sách các doanh nghiệp của ngành đang gặp khó khăn. Trong số đó, có tới 11 doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng và 10 doanh nghiệp cán phôi. Tổng công suất các nhà máy cán thép của Việt Nam hiện nay là hơn 11 triệu tấn thép xây dựng, hơn 9 triệu tấn phôi, trên 2,1 triệu tấn ống thép, 3,28 triệu tấn tôn mạ và trên 4 triệu tấn thép cán nguội. Công suất của các nhà máy thép vượt khá xa so với nhu cầu tiêu thụ.
Thậm chí với việc không ít các nhà máy đang trong giai đoạn xây dựng và chuẩn bị đi vào sản xuất thì chênh lệch giữa cung và cầu còn lớn hơn nữa, ví dụ như các nhà máy của Formosa hay Hòa Phát và điều này có thể khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ gặp thách thức để tồn tại.
Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, một khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh Hải quan (gồm Nga, Belarus, Kazakhstan) được ký kết thì thuế nhập khẩu thép từ Nga có thể giảm xuống còn 0% và khi đó với năng lực sản xuất hàng đầu thế giới của quốc gia này, thép Việt sẽ gặp đối thủ lớn tương tự như đối thủ Trung Quốc.
Mới đây, Thủ tướng đã đồng ý để Tổng Công ty kinh doanh và đầu tư vốn nhà nước (SCIC) góp vốn 1.000 tỉ đồng vào Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên và sử dụng toàn bộ phần góp vốn này cho dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của thép Thái Nguyên
Nguồn tin: Nhịp cầu đầu tư