Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Cuộc chạy đua tỷ giá

Trong lĩnh vực tài chính kinh tế, tuần lễ vừa qua có lẽ là một tuần lễ của những kỷ lục đánh dấu những diễn biến khác thường về tỉ giá của đôla Mỹ, euro, yên Nhật - những đồng tiền quan trọng trên thế giới.

Chắc hẳn chúng ta vẫn chưa quên rằng trong cả hai sự kiện quan trọng nhất gần đây là Hội nghị thượng đỉnh G20 và Hội nghị thường niên của IMF, vấn đề tỉ giá và bình ổn tỉ giá các đồng tiền lớn toàn cầu luôn là những sự kiện nóng trong nghị trình và một điều không thể chối cãi được là cả hai sự kiện đó đều đã kết thúc mà không tìm thấy lối thoát cho vấn đề này. Mỹ và châu Âu (dù thái độ có thể nhẹ nhàng hơn người đồng minh ở bên kia bờ Đại Tây Dương) cùng chỉ trích Trung Quốc trong việc giữ giá trị của đồng Nhân dân tệ ở mức thấp, trong khi đó ông Chu Tiểu Xuyên, Thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc vẫn tiếp tục những lời lẽ quen thuộc là nhất định sẽ tăng giá đồng tiền nước mình nhưng phải có một lộ trình.

Vấn đề bình ổn tỉ giá các đồng tiền lớn luôn là những sự kiện nóng.

Nhưng vấn đề là các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ hay Nhật Bản liệu có đủ kiên nhẫn và đủ sức để chờ lộ trình của Trung Quốc hay không. Và dường như câu trả lời có vẻ như đã rõ. Ngay từ giữa tháng 9, trước mức tăng giá kỷ lục của đồng yên, Chính phủ Nhật đã có động thái can thiệp vào thị trường tiền tệ để giảm đà tăng giá, cụ thể là bằng cách bán yên và mua đôla Mỹ. Không những thế, ngay trước thềm của Hội nghị thường niên của IMF, các quan chức tài chính của Nhật cũng tuyên bố là nước này sẽ sẵn sàng can thiệp vào thị trường bất cứ lúc nào để chống lại sự tăng giá quá mức của đồng yên. Điều đáng chú ý là động thái can thiệp vào thị trường này của Chính phủ Nhật đã thoát khỏi sự "chê trách" của các quốc gia khác trong Hội nghị thường niên của IMF. Vậy phải chăng những động thái đó cho thấy là khi không thể thương lượng và thỏa thuận với nhau trên bàn đàm phán thì từng quốc gia sẽ phải tự cứu mình?

Rất có thể điều này sẽ là hiện thực khi mà mới đây, trong phiên họp về vấn đề tài chính tiền tệ, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) thông báo sẽ tiếp tục các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Cụ thể là họ sẽ theo đuổi tiếp chính sách mua lại các trái phiếu kho bạc Mỹ (T-bonds - thực chất là mua lại các khoản nợ), đồng nghĩa với việc bơm tiền vào nền kinh tế. Chính sách này về nguyên tắc đã được ông Chủ tịch của FED thống nhất với các đồng nghiệp của mình. Vấn đề chỉ còn là mức độ và những tính toán cụ thể cho "gói giải pháp". Chắc chắn những điều này sẽ được FED cụ thể hóa trong phiên họp tới đây, dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 11.

Cần phải nói thêm là việc thông báo những chủ trương mới của FED về vấn đề tài chính lại trùng vào thời điểm Ngân hàng trung ương Singapore có động thái định giá lại đồng nội tệ của nước mình. Động thái này đã dẫn đến việc giới đầu cơ bán tiền USD và mua tiền đôla của Singapore, đồng thời kéo theo phản ứng dây chuyền trên toàn châu Á.

Hậu quả của cả hai sự kiện nói trên là đồng đôla Mỹ đã hạ giá một cách nhanh chóng. Tỷ giá của euro so với USD là 1 euro ăn 1,4122 USD . Đây có thể nói là mức tăng cao kỷ lục trong vòng 8 tháng vừa qua. Đồng yên Nhật cũng có mức tăng nhẹ, ở mức 114,44 yên ăn 1 USD. Như vậy, có thể thấy một điều khá rõ là những thông báo về chính sách tài chính tiền tệ của FED đã dẫn đến hệ quả là đồng USD hạ giá so với một loạt các đồng tiền khác trên thế giới.

Xét một cách ngắn hạn, việc đồng USD hạ giá có vẻ như là sự phản ánh của một chính sách kinh tế thiên về xuất khẩu, là biểu hiện cụ thể nhất của những chính sách gia tăng sức mạnh cho những công ty Mỹ trên thị trường quốc tế. Cũng phải thấy rằng mục tiêu hàng đầu của Chính phủ Mỹ hiện nay là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kéo theo đó là làm giảm tỷ lệ thất nghiệp. Theo một báo cáo mới đây nhất thì tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong quý 3 đã đạt mức 1,7% và có dấu hiệu tăng cao hơn (khoảng 0,1%) so với các dự báo. Dẫu vậy, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thì để đạt đến mức ổn định và an toàn đặc biệt mới đủ để giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới mức 10%. Vậy mà đây lại là một trong những vấn đề “sinh tử” của chính quyền Tổng thống Obama hiện nay khi mà cuộc bầu cử bầu lại một phần lớn ghế trong Hạ viện và một phần quan trọng ghế trong Thượng viện đã gần kề, một cuộc bầu cử có ý nghĩa quyết định đối với phần còn lại trong nhiệm kì tổng thống của ông Obama.

Vấn đề còn lại hiện nay là liệu việc đồng USD hạ giá có kéo theo một cuộc chạy đua tỉ giá giữa các quốc gia hay không, đặc biệt là những quốc gia có đủ sức mạnh để tham gia cuộc đua này mà điển hình là Nhật Bản và Trung Quốc. Và cũng cần phải nhớ rằng chỉ trong mấy ngày vừa qua, giá vàng liên tục leo thang - một dấu hiệu cho thấy giới đầu cơ đang chuyển sang vàng, đồng thời cũng thể hiện một sự bất an, chưa hoàn toàn tin tưởng vào những giải pháp phục hồi kinh tế của Mỹ.

Nguồn: Suckhoedoisong

ĐỌC THÊM