Cả thế giới đã từng sửng sốt trước việc Trung Quốc đoạt vị trí cường quốc kinh tế thứ hai của thế giới hồi tháng 7 năm nay của Nhật Bản. Nhưng người Nhật Bản thì không cam chịu để Trung Quốc qua mặt và cố gắng giành lại vị thế này.
Theo AP, ngày 9-12, chính phủ Nhật Bản cho biết, mức tăng GDP thực tế của nước này trong quý III-2010 (từ tháng 7 đến tháng 9) đạt 4,5%, cao hơn mức báo cáo sơ bộ 3,9% đưa ra hồi tháng 11 vừa qua. Với mức tăng trưởng này, GDP trong chín tháng đầu năm 2010 của Nhật Bản đạt 3,96 nghìn tỷ USD, cao hơn so với mức 3,95 nghìn tỷ USD của Trung Quốc. Như vậy, Nhật Bản đã giành lại vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Chính phủ Nhật Bản cho biết, tăng trưởng GDP thực tế quý III tăng cao là nhờ mức chi đầu tư của các doanh nghiệp cũng như tiêu dùng cá nhân tăng. Theo thống kê, mức chi đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tăng 1,3%, cao hơn so với mức tăng dự báo trước đó là 0,8%. Tiêu dùng cá nhân, vốn chiếm tới 60% GDP của Nhật Bản, tăng 1,2%, cao hơn 0,1% so với dự báo. Ngoài ra, các gói giải pháp kích thích kinh tế của chính phủ Nhật Bản cũng giúp tiêu dùng cá nhân tăng mạnh.
Sự chênh lệnh hết sức mong manh về tổng GDP của hai nền kinh tế lớn trên thế giới - gần 13 tỷ USD - trong lần xếp hạng này sẽ báo hiệu trong tương lai, ngôi vị của Nhật Bản và Trung Quốc sẽ thay đổi liên tục như “sao đổi ngôi”. Tuy nhiên, đối với nhiều chuyên gia kinh tế thế giới, điều đó là hoàn toàn bình thường và vấn đề họ quan tâm nhất là nội hàm của GDP tăng trưởng có phản ánh được sự phồn vinh của người dân sống trên đất nước đó hay không. Khi nghiên cứu về cơ cấu GDP của Nhật Bản và Trung Quốc, người ta thấy có sự khác biệt và điều đó dẫn tới sự khác nhau về hưởng lợi của dân chúng từ sự tăng trưởng về GDP.
Trong lúc đó, GDP thực tế và GDP danh nghĩa của Trung Quốc “không đồng nhất” - có khoảng cách trong thống kê thật và báo cáo khống. Trung Quốc đang phải điều chỉnh cơ cấu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu của mình. Sản xuất phát triển là đòn bẩy để nâng cao sức tiêu dùng của cư dân thành phố, nông thôn. Còn chuyển đổi đất trồng trọt thành công trình hoạt động không có hiệu quả... để gộp vào bảng vàng thành tích thì cho dù tổng lượng GDP hai nước bằng nhau nhưng chất lượng và mức sống bình quân theo đầu người của hai quốc gia vẫn khác xa nhau.
Các nhà quan sát cho rằng, cuộc chạy đua quyết liệt về kinh tế giữa Trung Quốc và Nhật Bản sẽ tiếp tục diễn ra.
Nguồn: CATP