Ngành thép Việt Nam đã và đang phải đối diện với nhiều thách thức, từ nạn thép giả kém phẩm chất cho tới gian lận thương mại cũng như sự thâm nhập ồ ạt của thép đến từ nước ngoài. Mặt khác, cũng chính do sức tiêu thụ yếu nên nhiều nhà máy thép trong nước phải giảm công suất sản xuất, từ đó càng khó khăn trong việc cạnh tranh với hàng ngoại nhập, đồng thời cuộc sống công nhân ngành này cũng gặp khó khăn. | |
Sức tiêu thụ yếu nên nhiều nhà máy thép trong nước phải giảm công suất Khó khăn chồng chất
Thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong năm qua lượng thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam lên đến 11 triệu tấn, tăng 105% so với năm trước đó, mức tăng cao nhất từ trước đến nay, trong đó có đến 4,78 triệu tấn thép Bo. Thép Bo này khi vào Việt Nam được sử dụng làm thép xây dựng. Loại thép này được tung ra thị trường bán với giá thấp hơn thép xây dựng trong nước từ 1- 2 triệu đồng/tấn. Riêng đối với Trung Quốc, trong năm 2014, thép các loại nhập vào Việt Nam khoảng 5,3 triệu tấn, tăng 66,1% so với với năm trước đó. Dự báo, khả năng lượng thép cuộn chứa Bo từ Trung Quốc nhập về Việt Nam vẫn sẽ tăng nhiều trong những năm tới. Do lượng thép nhập khẩu lớn, trong đó có đến 50% là thép Bo đã dẫn đến cạnh tranh khốc liệt, trong khi sức tiêu thụ yếu nên nhiều nhà máy thép trong nước phải giảm công suất sản xuất, gây khó khăn trong việc cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Nhận định về khó khăn này, ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần SMC cho biết, khi các hiệp định thương mại song phương, đa phương có hiệu lực sẽ tạo ra sức ép từ các quốc gia có thế mạnh về thép như Hàn Quốc, Nga, Belarus… vào ngành thép Việt Nam. Các hoạt động cạnh tranh cả trong nước lẫn đến từ nước ngoài cũng sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn. Tại Việt Nam, hàng loạt dây chuyền sản xuất thép dài ra đời như Vinakyoei, Possco SS, Formosa góp phần tăng cung mạnh mẽ trong khi thị trường tiêu thụ vẫn ì ạch điều này ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề kinh doanh của doanh nghiệp. Theo ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Việt, thời gian tới nhiều nhà sản xuất thép trong nước khó tránh khỏi lao đao khi thuế nhập khẩu thép giảm theo hiệp định tự do thương mại. Cùng đó, bên cạnh một khối lượng thép khổng lồ đến từ Trung Quốc thì sắp tới khi thép từ Nga vào, khó khăn sẽ càng tăng lên. Như vậy, khó khăn của ngành thép Việt Nam được coi là cộng hưởng của nhiều nguyên nhân, để vượt lên không phải là điều dễ dàng. Cho dù sức tiêu thụ vẫn được nhìn nhận là yếu thì theo VSA, lượng tiêu thụ thép năm nay của Việt Nam sẽ xấp xỉ 6 triệu tấn, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ; mức tăng trưởng đạt từ 4 - 5%, tuy nhiên mức tăng chủ yếu do đẩy mạnh xuất khẩu từ các mặt hàng như tôn mạ màu, mạ kẽm, thép ống các loại…, chứ không hẳn do tiêu thụ trong nước. Điều đáng nói, công suất thép xây dựng của các nhà máy trên cả nước hiện lên đến 11 triệu tấn, vượt gần gấp đôi nhu cầu. Như vậy cũng có nghĩa là ngay các doanh nghiệp thép nội cũng đã phải cạnh tranh nhau gay gắt. Thép Việt gian nan trong cuộc cạnh tranh Tìm lối thoát Để có thể cạnh tranh trong thời gian tới, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen cho biết, đơn vị này sẽ tập trung nhiều hơn vào các kênh phân phối và thị trường bán lẻ. Dự kiến, trong năm 2015, Tập đoàn sẽ mở thêm 50 chi nhánh trong cả nước, nâng tổng số chi nhánh lên khoảng 200. Theo ông Vũ, chiến lược mở rộng các kênh phân phối và thị trường bán lẻ giúp Hoa Sen có thể trụ vững trước những biến động và sức ép đến từ nhiều phía. Ngoài ra, tập đoàn này còn lên kế hoạch phát triển thị trường mới và tiềm năng. Rõ ràng, thời thế và sức ép cạnh tranh buộc doanh nghiệp phải nâng sức cạnh tranh sản phẩm bằng nhiều chiến lược khác nhau, đồng thời chú trọng hơn vào nội địa cũng như đẩy mạnh xuất khẩu. Tương tự, Công ty cổ phần SMC đã chọn hướng chấp nhận thách thức và từng bước vượt qua khó khăn với mục tiêu tiêu thụ 1 triệu tấn thép/năm. Tuy nhiên năm 2015 SMC sẽ không tập trung về số lượng mà sẽ tập trung vào chất lượng. Năm 2015, nâng dần tỷ lệ thép dẹt trong tổng cơ cấu tiêu thụ vượt mức 40% (hơn 340.000 tấn). Riêng với hoạt động xuất khẩu, SMC sẽ giữ vững thị trường cũ và từng bước mở rộng thị trường mới, khách hàng mới, tập trung xuất khẩu các mặt hàng mà SMC có lợi thế và hiệu quả cao. Cạnh tranh để phát triển, song sự thiếu công bằng vô hình trung giết chết không ít doanh nghiệp. Hầu hết doanh nghiệp ngành thép cho biết đang cố gắng phấn đấu "bơi” trong khó khăn và rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ. Theo đó, cơ quan hữu quan cần sự kiểm tra sát sao đối với mặt hàng thép nhập khẩu bằng cách xây dựng hàng rào thương mại giống nhiều nước đang áp dụng, đồng thời kiểm soát tốt thị trường không để xảy ra tình trạng gian lận thương mại đối với mặt hàng thép. |
Nguồn tin: Đại đoàn kết