Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Cuộc truy lùng 'nghẹt thở' và chân dung công ty 'ma'

[Nguồn tin:Nguoiduatin] Không chỉ lừa người dân tại TP.HCM, các đối tượng buôn bán sắt "ảo" còn khiến cho những người dân các tỉnh, thành khác sập bẫy. Bức xúc vì bị mất tiền trắng trợn, nạn nhân của vụ buôn bán sắt lừa đảo đã lên kế hoạch giăng bẫy, "truy bắt" các đối tượng tham gia đường dây này...

Vòi "bạch tuộc" vươn xa

Giống như bao nhiêu người tiêu dùng khác, chị H.P.T. (SN 1976, ngụ tại TP. Huế) cũng bị mất một số tiền không nhỏ, bởi chiêu bán sắt giá rẻ của một công ty ma do Lộc lập ra. Trao đổi với PV qua điện thoại, chị T. cho hay: "Tôi là chủ cửa hàng kinh doanh sắt thép tại TP. Huế. Thường ngày, tôi lấy sắt từ các công ty phân phối trong tỉnh để bán lại cho dân. Nhưng vì giá sắt của các nhà phân phối ở đây nhỉnh hơn so với ở các thành phố lớn, nên tiền lãi không được bao nhiêu. Sau khi lên mạng tham khảo giá, tôi thấy giá sắt thép của công ty sắt thép Hải Châu khá mềm. Nếu mình lấy lại bán thì số tiền lãi sẽ cao hơn so với lấy sắt ở đây. Vì vậy, tôi đã gọi điện tham khảo và đặt một lô hàng trị giá 200 triệu đồng".

Nghi can Nguyễn Sĩ Kiên tại cơ quan công an (ảnh Thơ Trịnh).

Chiều ngày 18/4, trao đổi với PV, ông Bùi Ngọc Châu (SN 1952, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ: "Vào lúc 8h sáng ngày 5/4, tôi nhận được cuộc điện thoại của T. (em gái của ông Châu) ở TP. Huế. Sau vài phút trao đổi, T. cho tôi số điện thoại 0976.469... của một người tên Hưng (người này thực chất là Lộc - PV- tự xưng là chủ công ty phân phối sắt thép Hải Châu nói trên) để liên hệ lấy thép. T. nói đã liên hệ qua mạng và điện thoại, tôi chỉ việc lên xem sắt thép thế nào rồi nhận hàng giúp tôi. Đến 8h30 cùng ngày, tôi gọi điện thì Hưng nói tôi chạy lên cầu vượt Tân Thới Hiệp (quận 12) rồi đón vào. Đúng như đã hẹn, tôi chạy xe máy tới đây thì được hai cậu thanh niên ra đón vào Cửa hàng sắt Hải Châu trên đường TA10 (thuộc phường Tân Thới Hiệp, quận 12, TP.HCM)".

Ông Châu cho biết thêm: "Tại cửa hàng sắt thép Hải Châu, sau khi giới thiệu xong các loại sắt, hai cậu này mời tôi ra quán cà phê gần đó. Chúng nói để chắc chắn thì em gái tôi phải đặt cọc trước để hợp đồng xe. Tôi gọi điện cho T. nói đã xem sắt rồi nên đặt cọc 20 triệu đồng. Khi nào xe chở ra tới nơi, thì thanh toán phần còn lại. Tuy nhiên, trên đường về, tôi cảm thấy bất an vì hợp đồng gì mà lại chỉ có một cái hóa đơn bán lẻ. Ngay lúc ấy, tôi quay trở lại cửa hàng sắt thép Hải Châu để gặp hai cậu thanh niên lúc nãy để hỏi xem thế nào. Tuy nhiên, ông chủ cửa hàng sắt Hải Châu thản nhiên nói: "Chú bị lừa rồi, ở đây không có hai người này". Mặc dù, lúc tôi đến xem sắt, ông ấy và một số người có mặt ở đó mà không hề nói năng gì".

Theo ông Châu, biết là bị mất tiền bởi “quân lừa đảo”, nhưng ông vẫn tiếp tục đứng đó đợi xem có thấy chúng lảng vảng tới không. Khoảng 30 phút sau, bốn người đàn ông và một người phụ nữ chạy tới cửa hàng này để lấy sắt của Hưng. Tuy nhiên, sau khi nghe ông nói, họ mới té ngửa ra là mình đã vào tròng, nhưng may là chưa mất tiền. Sau đó, ngày nào ông cũng có mặt tại khu vực này để canh và xem có tung tích gì về nhóm lừa đảo này.

Ông Châu và người anh em Lê Lập vui mừng vì bắt được đối tượng lừa đảo (ảnh Thơ Trịnh).

Nạn nhân lập kịch bản, truy bắt kẻ lừa đảo như trong phim

Sau một thời gian tìm kiếm nhưng vẫn không thấy bóng dáng của hai tên lừa đảo, ông Châu nhận định, mình phải "tương kế tựu kế" thì mới có thể dụ chúng ra được. Ông Châu cho hay: "Với sự suy đoán của mình, tôi nghĩ bọn chúng chỉ xuất đầu lộ diện khi có một hợp đồng mới. Chính vì vậy, tôi đã dựng lên một vở kịch và "đạo diễn" cho một người quen là T.M.Tr. đi mua sắt của tụi nó về xây dựng công trình. Đúng như dự đoán, chúng hăm hở và dở những "màn diễn" bẩn thỉu cũ ra để trao đổi với người quen của tôi. Lúc bấy giờ, chúng tôi quyết tâm phải bắt cho bằng được bọn chuyên đi lừa đảo này".

Sáng ngày 16/4, T.M. Tr. hẹn các đối tượng này đến lấy sắt. Đón Tr. vào, chúng dẫn đi vòng vòng rồi dừng lại ở một cửa hàng sắt trên đường Nguyễn Ảnh Thủ (phường Tân Hiệp Thành, quận 12). Cùng lúc đó, tôi và một người em là Lê Lập chạy theo đến đây thì thấy có một nhóm thanh niên gồm 7, 8 người đang ngồi chờ sẵn ở trong quán cà phê, cùng với chiếc xe tải. Trong số đó, tôi nhận ra một trong hai thanh niên đã lừa và ăn cướp 20 triệu đồng của mình lần trước. Vừa bước xuống xe, chúng nhận ra tôi nên một số đã bỏ chạy. Sau khi nghe thấy tiếng hô của tôi, Lập nhanh chóng khóa tay của tên này lại rồi đưa lên chiếc xe Honda.

Ông Châu cho biết, lúc đầu một số tên đứng bật dậy định tấn công lại, nhưng Lập dũng cảm quát lên "Chúng tôi đi bắt kẻ lừa đảo", nên chúng nó dạt hết ra, đứa bỏ chạy, đứa đứng nhìn. Trên đường bị chúng tôi áp giải đến công an, tên này năn nỉ bảo chúng tôi tha cho nó rồi nó sẽ trả lại số tiền lần trước. Nhưng ba anh em tôi quyết không tha cho hành động trắng trợn của chúng. Ông Nguyễn Văn Hải, trưởng công an phường Trung Mỹ Tây cho biết: "Hồ sơ của các đối tượng này ở đây rất nhiều rồi. Có đối tượng còn ăn cướp của người dân."

Ngay sau đó, lực lượng Công an phường Trung Mỹ Tây đã giao nghi can này về Công an phường Tân Thới Hiệp để giải quyết. Tại cơ quan công an, đối tượng này khai là Nguyễn Sĩ Kiên (SN 1980, quê ở Đô Lương, Nghệ An). Ban đầu, Kiên khăng khăng chối tội và nói không biết gì vụ lừa đảo 20 triệu đồng của ông Châu. Tuy nhiên, sau khi lực lượng công an làm việc, Kiên đã nhận tội và khai là cùng với một số người lấy 20 triệu đồng trong vụ lừa ông Châu. Trong vụ này, Kiên được 5 triệu đồng.

Kết thúc cuộc trò chuyện với chúng tôi, anh Lê Lập (người trực tiếp bắt Kiên đưa về công an) tâm sự: "Mặc dù chỉ bắt được một đối tượng lừa đảo, nhưng chúng tôi rất mừng vì bước đầu giúp cho cơ quan công an và hàng loạt nạn nhân lần ra tung tích của đường dây lừa đảo này. Bởi "lực lượng" của chúng tôi lúc đó quá mỏng, các đối tượng này khá đông lại toàn là những tên nhìn rất hung dữ. Trước khi quyết định truy bắt chúng, anh em tôi cũng không ngoại trừ trường hợp xấu nhất là bị chúng đánh lại. Nếu như lúc đó, chúng tôi chỉ chậm một giây là gặp nguy hiểm như chơi. Tôi hy vọng là lực lượng công an nhanh chóng vào cuộc để triệt phá hệ thống kinh doanh lừa đảo có tổ chức nhằm bảo vệ quyền lợi cho người dân".

Ông Châu cũng cho hay: "Ngay khi Kiên được giải về công an phường Tân Thới Hiệp, có hàng chục nạn nhân được công an mời tới để nhận mặt. Tại đây, nhiều người tỏ ra rất bức bức xúc. Trong đó, có người dân còn nói, họ bị chúng lừa và lấy đi mấy trăm triệu, đúng thời điểm họ đang phải vay mượn khắp nơi để xây nhà. Tội lỗi của chúng trời không dung, đất không tha được. Trước mặt chúng tôi, lực lượng công an phường Tân Thới Hiệp cũng mang ra mấy chục bộ hồ sơ mà người dân đến trình báo về hành vi buôn bán sắt lừa đảo của các "công ty ma" này. Theo nhận định của tôi, có ít nhất là 20 đối tượng trong đường dây này vẫn còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật".


Mở rộng điều tra để triệt phá đường dây lừa đảo

Trao đổi với chúng tôi, cơ quan CSĐT công an quận 12 (TP.HCM) cho biết: "Hiện công an phường Tân Thới Hiệp đã chuyển hồ sơ của Kiên về công an quận 12 để tiếp tục mở rộng điều tra triệt phá hình thức làm ăn lừa đảo của đường dây buôn bán sắt này". Theo cơ quan CSĐT, hàng ngày vẫn có không ít nạn nhân ở các quận huyện đến để nhận mặt nghi can.

 

ĐỌC THÊM