Một yếu tố khiến thị trường thép trong nước cải thiện là tháng 11 tháng 12 là thời điểm mùa xây dựng nên sẽ có xu hướng tốt lên.
Từ đầu tháng 9 đến nay, giá thép xây dựng trong nước có xu hướng chững lại, khiến sức tiêu thụ của mặt hàng này giảm. Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân giá thép trong nước chững là do tác động của giá thép trên thế giới.
Hiện nay nước ta vẫn phải nhập khẩu gần 50% lượng phôi thép và khoảng 75% thép phế để sản xuất thép trong nước. Trong khi đó, giá phôi thép nhập khẩu chiếm tới 93% giá thành thép sản xuất trong nước. Chính vì vậy, giá thép trong nước phụ thuộc rất nhiều vào giá phôi và giá quặng thép của thị trường thế giới. Ngoài ra, giá thép trong nước còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như tỷ giá giữa đô la Mỹ và đồng Việt Nam, giá xăng dầu trên thế giới... Giá thép trong nước tại thời điểm này đang chững lại, đã ảnh hưởng đến sức tiêu thụ trong nước. Anh Nguyễn Văn Hòa, đại lý thép Thái Nguyên trên phố Minh Khai, Hà Nội cho biết: “Sức mua của các đại lý thép chúng tôi hiện đang giảm. Từ tháng trước đến tháng này thì chưa có lần nào giảm giá. Người mua bao giờ cũng có tâm lý là giá hợp lý thì họ mới mua, hiện tại sức mua giảm là điều tất yếu”.
Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tâm lý của người tiêu dùng trong nước đợi giá thép xuống nữa mới mua. Còn với nhà kinh doanh cũng có tâm lý như vậy, họ nghĩ giá thép sẽ còn giảm nữa nên chưa mua của nhà sản xuất, tạm thời bán hết hàng lưu trữ thậm chí còn bán với giá thấp hơn giá của nhà sản xuất để tiêu thụ hết số hàng của mình và đợi giá của nhà sản xuất giảm thêm nữa mới mua vào. Tháng 9 vừa rồi sức tiêu thụ chỉ đạt 283.000 tấn, giảm đến 200.000 tấn chỉ trong một tháng. “Có thể trong 15 ngày đầu tháng 10 giá thép trong nước chững lại nhưng mười lăm ngày cuối tháng mười, sức tiêu thụ sẽ tốt lên và giá thép trong nước có thể tăng lên một chút. Một yếu tố nữa khiến thị trường thép trong nước cải thiện là tháng 11 tháng 12 là thời điểm mùa xây dựng nên sẽ có xu hướng tốt lên. Một yếu tố nữa là các nước trong khu vực sẽ tăng giá thép từ tháng 10…” - Ông Nguyễn Tiến Nghi nói.
Hiện, giá thép liên doanh Việt-Hàn có giá từ 13,2 triệu đồng đến 13,5 triệu đồng/tấn (chưa có VAT và chiết khấu thương mại); Tổng công ty Thép Việt Nam là 13,5 triệu đồng/tấn, thép Thái Nguyên là 13,9 triệu đồng đến 14,2 triệu đồng/tấn... Nhiều chuyên gia cho rằng mức giá này là phù hợp với giá của thị trường thế giới và nguồn cung thép trong nước sẽ không thiếu.
Nguồn: VOV
Độc giả có thể gửi ý kiến, nhận xét, bày tỏ quan điểm của mình đối với tin tức này bằng cách bấm vào nút "Ý kiến Của bạn"