Sau khi Bộ Công Thương công bố áp dụng mức thuế tự vệ tạm thời đối với phôi thép là 23,3% và với thép dài là 14,2% trong thời gian 200 ngày, kể từ 22.3.2016, giá thép trong nước tăng vọt gây nên những xáo trộn trên thị trường. Ông Nguyễn Phương Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương cho biết, vụ việc điều tra hiện đang ở giai đoạn cuối, khả năng sẽ ra quyết định cuối cùng vào cuối tháng 6.2016.
10 năm, điều tra… 6 vụ
Tại hội nghị “Tổng kết thực thi pháp luật phòng vệ thương mại (PVTM) và đề xuất giải pháp” do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) phối hợp với VCCI vừa tổ chức, bà Phạm Châu Giang - Trưởng phòng Điều tra, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, sau hơn 10 năm ban hành pháp luật Việt Nam (VN) về các biện pháp PVTM, VN mới tiến hành điều tra 6 vụ việc đối với hàng hóa nhập khẩu. Trong đó, 4 vụ việc điều tra tự vệ áp dụng thuế tự vệ đối với 3 mặt hàng: Dầu thực vật, bột ngọt và phôi thép và thép dài. 2 vụ việc điều tra chống bán phá giá, trong đó áp thuế một mặt hàng (thép không gỉ cán nguội) và đang trong giai đoạn điều tra sơ bộ đối với thép tôn mạ.
Liên quan đến việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài, thời gian qua dù giá thép trong nước tăng vọt, nhưng Bộ Công Thương vẫn kiên quyết bảo vệ quan điểm tạm thời áp thuế. Lý giải cho điều này, bà Giang cho biết: “Có sự gia tăng đột biến về lượng nhập khẩu mặt hàng này vào VN, từ 700.000 tấn (2014) lên 1,9 triệu tấn (2015). Trong khi đó, nhu cầu về mặt hàng thép của VN là 6,2 triệu tấn, công suất đạt 7,5 triệu tấn. Như vậy, riêng trong nước đã dư 1,5 triệu tấn lại nhập khẩu thêm gần 2 triệu tấn, nếu không áp dụng tự vệ thì không DN nào chịu được”.
Bên cạnh đó, bà Giang thừa nhận, việc áp dụng thuế tự vệ ngoài mục đích bảo vệ sản xuất trong nước, ít nhiều người tiêu dùng cũng bị thiệt hại từ biện pháp này do giá cả tăng vọt. Chưa kể, ngay trước thời điểm áp dụng mức thuế, tình cờ giá thép tại Trung Quốc tăng 20% khiến thị trường thời điểm đó có sự hỗn loạn, đẩy giá. Ông Nam cũng bình luận thêm, hai nước bị tác động mạnh nhất là Trung Quốc và Nhật Bản đánh giá, việc VN áp dụng mức thuế tự vệ là đúng nhưng… chậm! Phía Nhật cho rằng thay vì áp dụng mức thuế nhập khẩu bổ sung, VN nên áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng này.
Sẽ phải trả giá vì… tự vệ
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, các vụ kiện PVTM ở VN cho thấy chủ yếu là kiện tự vệ bởi đây là công cụ dễ thực hiện nhất và mang tính chất bảo hộ rõ ràng. Chính vì vậy nên thời gian áp dụng rất ngắn và sẽ phải trả giá bằng việc đền bù thiệt hại cho các nước đối tác nếu lượng xuất khẩu vào VN sụt giảm. Thực tế thép là sản phẩm bị kiện nhiều nhất khi có tới 3/6 các vụ kiện PVTM ở VN nhắm tới sản phẩm này. Trên thế giới, 80% các vụ kiện về PVTM cũng “chĩa mũi dùi” vào mặt hàng này. Tuy nhiên, khác với thế giới, VN kiện thép thành phẩm là chủ yếu còn thế giới kiện thép nguyên liệu.
Trao đổi với PV, bà Giang cho biết: “Nhu cầu các DN VN sử dụng các biện pháp PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước tăng lên khi vài ba năm gần đây, mỗi năm lên tới hàng chục vụ việc chờ giải quyết. Tuy nhiên, đã có nhiều trường hợp khi cơ quan điều tra công bố thông tin bắt đầu điều tra vụ việc, các DN không quan tâm. Đến khi lệnh áp thuế được đưa ra thì các DN mới cuống cuồng tìm hiểu thông tin bị áp thuế và không biết làm thế nào. Trong các vụ việc điều tra, so với các DN nước ngoài, các DN VN luôn phản ứng bị chậm một nhịp”.
Chính vì vậy, bà Giang khuyến nghị, các DN liên quan cần hợp tác, cung cấp đầy đủ thông tin với các cơ quan điều tra trong nước và nước ngoài. Đồng thời, cần chủ động tìm hiểu các biện pháp PVTM để giải quyết mâu thuẫn giữa hội nhập kinh tế quốc tế và bảo vệ lợi ích của sản xuất trong nước. “Hiện tại Bộ Công Thương đang xây dựng Luật Quản lý ngoại thương, trong đó rà soát đánh giá lại pháp luật liên quan đến PVTM để đưa vào luật. Hiện dự thảo chương PVTM đã được công khai trên Internet để lấy ý kiến của cộng đồng DN và các bên liên quan” - bà Giang nhấn mạnh.
Nguồn tin: Lao động