Giải pháp đầu tiên được Bộ Công thương đề xuất với Chính phủ là thuế. Tuy nhiên thay vì đề nghị áp dụng phương án điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu phôi thép lên 15% (cam kết WTO cho phép mức 17%, doanh nghiệp đề nghị 25%, VSA đề nghị 15%) thì Bộ Công thương nghiêng về phương án áp dụng thuế tuyệt đối.
Cơ quan này cho rằng, biện pháp này sẽ linh hoạt hơn trong bối cảnh giá phôi thế giới biến động liên tục, không dự báo trước được. Mặt khác Chính phủ cần hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp sản xuất phôi (vì ngành này mới phát triển), tiến tới giảm sự phụ thuộc vào phôi nhập khẩu. Để giảm tác động tiêu cực đối với các doanh nghiệp cán thép từ phôi nhập khẩu, Bộ Công thương đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh thuế nhập khẩu thép xây dựng lên 20% (để ngăn thép nhập khẩu tràn vào).
Còn lại ngoài mặt hàng thép đã phủ tráng tăng nhẹ thuế nhập khẩu lên đến mức từ 10-12%, cơ quan này đề nghị Bộ Tài chính không điều chỉnh thuế nhập khẩu với thép tấm, thép cuộn cán nóng, thép lá, cuộn, cán nguội, ống thép hàn (dù các doanh nghiệp đều đề xuất tăng) do căn cứ vào tình hình sản xuất trong nước.
Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng về việc hỗ trợ ngành sản xuất thép, ngày 24/12/2008 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có văn bản số 11170/NHNN-TD đề nghị các Ngân hàng thương mại thực hiện một số nội dung liên quan tới việc hỗ trợ ngành sản xuất này.
Cụ thể, đối với các khoản vay không trả nợ đúng hạn thuộc các doanh nghiệp ngành thép do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới làm cho sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, chậm tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm, các Ngân hàng thương mại thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại văn bản số 9776/NHNN-CSTT ngày 3/11/2008.
Trường hợp các doanh nghiệp ngành thép gặp khó khăn về tài chính, các tổ chức tín dụng căn cứ tình hình thực tế để xem xét gia hạn nợ, xử lý nợ vay theo quy định hiện hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khắc phục khó khăn, tiếp tục duy trì sản xuất.
Các Ngân hàng thương mại tiếp tục xem xét, thẩm định hồ sơ vay mới của doanh nghiệp ngành thép trên cơ sở hiệu quả của dự án, phương án sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất phôi thép và sản phẩm thép đang có khối lượng tồn đọng lớn.
(ATP)