“Người gửi tiền ở mọi ngân hàng hoàn toàn yên tâm” và các ngân hàng, đặc biệt là đối với các đơn vị nằm trong tay “một chủ” nên “tự nguyện liên kết với nhau”.
Đó là một số nét chính trong kịch bản tái cơ cấu ngân hàng đang biểu hiện khá rõ nét trong thời gian gần đây.
Gom về một chủ
Qua khảo sát trực tiếp hoạt động của một số ngân hàng thương mại trong diện phải sáp nhập ở Tp.HCM, người viết thấy rằng, dường như những “người trong cuộc” đã chuẩn bị sẵn sàng.
Trước hết là sáp nhập về một chủ cho đúng với bản chất của vấn đề. Sở dĩ nói như vậy là bởi thực tế trong nhiều năm gần đây đang có tình trạng một “ông chủ”, “bà chủ” nhưng sở hữu tới 3, 4 ngân hàng.
Do tình trạng trên mà xuất hiện hoạt động “đan chéo” giữa các đơn vị với nhau, dẫn đến hoạt động của hệ thống không minh bạch, không ít con số thống kê phản ánh thiếu chân thực, tiềm ẩn nhiều bất ổn cho thị trường và gây khó khăn cho công tác quản lý.
Nguyên vụ trưởng của Ngân hàng Nhà nước đã than thở: “Tình trạng nhiều ngân hàng nằm trong tay một chủ đã trở nên đáng báo động. Họ cho vay vốn lẫn nhau và phối hợp thổi giá trên thị trường liên ngân hàng để ngân hàng mẹ kiếm lợi, gây bất ổn cho hoạt động chung của thị trường”.
Ở góc độ kinh doanh, những ngân hàng này chủ yếu tập trung vào tín dụng khu vực bất động sản và chứng khoán, có những đơn vị, dư nợ tín dụng phi sản xuất tới 70% - 80%/tổng dư nợ, thậm chí trở thành kênh dẫn vốn cho “tín dụng đen”.
Đáng lưu ý, số ngân hàng nói trên tập trung khá nhiều ở Tp.HCM và khu vực phía Nam.
Một ngân hàng trong số đó đang ở trong chương trình “chữa trị bệnh tật” của Ngân hàng Nhà nước, nên bị kiểm soát đặc biệt suốt hơn một năm qua, thậm chí Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM phải cử một tổ giám sát ngày ngày túc trực kiểm soát mọi hoạt động.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia thạo tin trong ngành ngân hàng, câu chuyện sáp nhập những ngân hàng yếu kém về một mối chưa hoàn toàn chấm dứt ở đó.
Ông này nói: “Ba ông yếu nhập với nhau, sẽ thành một ông lớn nhưng rất yếu và sẽ không giải quyết triệt để những rủi ro tiềm ẩn cho cả hệ thống”. Vì thế, sau quá trình này, Ngân hàng Nhà nước vẫn phải tiếp tục củng cố, tái cơ cấu lại hoạt động và làm lành mạnh hóa bảng tài sản của chúng trước khi trả họ về sinh hoạt chung với cộng đồng.
Người gửi tiền có nên lo?
Mấy ngày qua, không ít người gửi tiền rất lo lắng đến tài sản gửi ở ngân hàng, nhất là những ngân hàng nhỏ nhưng yếu thanh khoản ở Tp.HCM.
Theo những thông tin mà chúng tôi có được, đã có hiện tượng người dân rút tiền khá nhiều ở một ngân hàng suốt từ sáng tới quá 12 giờ đêm, đến nỗi, ngân hàng phải mua cơm hộp cho dân ăn chờ rút tiền, kéo theo lực lượng cảnh sát cũng phải túc trực để bảo vệ trật tự.
Tất nhiên, ngân hàng này hoàn toàn đảm bảo khả năng chi trả cho người dân mặc dù gặp không ít khó khăn. Và đến ngày hôm sau, tình trạng trên hoàn toàn chấm dứt, thậm chí, người dân sau khi rút xong lại gửi trở lại vào ngân hàng.
Nói như vậy là để thấy lời tuyên bố của Thống đốc của Ngân hàng Nhà nước: “Sẵn sàng đảm bảo quyền lợi của người dân khi nhà nước tiến hành sắp xếp, cải tổ hệ thống ngân hàng” là hiện thực. Điều này cũng thể hiện quan điểm của Đảng, Chính phủ luôn đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu trong các giai đoạn nền kinh tế gặp biến cố, trong đó có hoạt động cải cách hệ thống ngân hàng tài chính từ 2001 đến 2005.
Vấn đề thứ hai là có hay không giải thể, phá sản ngân hàng trong quá trình tái cấu trúc? Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Quan điểm chỉ đạo khi tiến hành tái cấu trúc ngân hàng là đánh chuột không để vỡ bình, diệt rầy không hại đến lúa”.
Nguồn tin: vneconomy