Việc áp thuế tự vệ cho các mặt hàng nhập khẩu nếu không cẩn thận, có thể trở thành con dao hai lưỡi và gây hệ lụy tới người tiêu dùng.
Thảo luận về Luật thuế xuất nhập khẩu sửa đổi tại hội trường chiều ngày 25/3, nhiều đại biểu cho rằng nên thận trọng việc áp thuế tự vệ, sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu.
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng thuế phòng vệ thương mại là một trong nhiều biện pháp về phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ sản xuất trong nước khi bị ảnh hưởng bởi hoạt động bán phá giá, trợ cấp của các nhà xuất khẩu nước ngoài vào thị trường Việt Nam.
Do đó, việc quy định Bộ Công Thương quyết định việc áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ và Bộ Tài chính quy định việc kê khai, thu, nộp, hoàn trả thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ là phù hợp.
Việc áp dụng thuế tự vệ để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước không phải chỉ có Việt Nam mà các nước cũng áp dụng. Đây là biện pháp tốt, nhưng theo đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc), với thực tế của Việt Nam hiện nay, nếu chúng ta đưa ra thuế phòng vệ thương mại cho các mặt hàng mà không cân nhắc kỹ lưỡng thì sẽ gây thiệt hại đến người tiêu dùng, không khuyến khích được sản xuất trong nước cạnh tranh với các doanh nghiệp khác nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu như hiện nay.
"Theo quan điểm của tôi, khi chúng ta đưa ra các hàng rào, các thuế phòng vệ thì phải ưu tiên đến thị trường, quan tâm đến thị trường nhiều hơn. Chúng ta phải tận dụng tối đa những lợi ích của hội nhập trong kinh tế vĩ mô" - Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.
Dẫn chứng từ mặt hàng thép, hiện nay trên thế giới giá thép đang giảm mạnh, trong khi sản xuất trong nước đắt hơn, nên cần phải tận dụng để cho người tiêu dùng được lựa chọn có lợi. Do đó, việc áp dụng thuế tự vệ trong nước, có thể gây thiệt hại cho người tiêu dùng nếu như việc lựa chọn các hàng rào tự vệ cho hàng hóa trong nước.
Cụ thể, gần đây Bộ Công Thương chính thức áp dụng biện pháp tự vệ cho phôi thép là 23% và 14,2% đối với thép dài. Mặc dù ngày 23/3 mới có hiệu lực nhưng trước đó một tuần đã xảy ra hiện tượng găm hàng, dẫn đến người tiêu dùng thiệt hại và giá thành xây dựng tăng lên.
"Chúng ta phải tính đến thiệt hại của nền kinh tế trong khi giá thép trên thế giới đang thấp hơn Việt Nam từ 10 - 15%. Bởi giá thành tăng lên, giá thành vật liệu tăng theo trong khi thép của thế giới giảm" - đại biểu Bảo nói.
Hiện nay công nghệ sản xuất thép của Việt Nam đang khá lạc hậu, giá thành sản xuất cao hơn của thế giới cao hơn 50 USD/tấn. Do đó, vị đại biểu này đặt câu hỏi: "Vậy ta có nên đưa ra hàng rào bảo vệ sản xuất trong nước không? Thế giới đang chuyển sang nguồn tài nguyên tái tạo nhưng ta đi khai thác cạn kiệt, và chính sách đang đi bảo vệ cho chuyện này".
Mặc dù việc sử dụng biện pháp kỹ thuật là cần thiết, nhưng cần phải quan tâm đến bài toán kinh tế vĩ mô, sản xuất trong nước, người tiêu dùng và các thành phần kinh tế. Trong đó hướng tới mục đích cao nhất là người sử dụng mới đảm bảo hiệu quả của việc sử dụng hàng rào kỹ thuật.
Nguồn tin: CaFef