Những ý kiến đầu tiên trong phiên thảo luận Quốc hội sáng nay đều đồng ý để Chính phủ phát hành trái phiếu, nâng trần bội chi để thúc đẩy tăng trưởng.
Sáng nay Quốc hội bước vào ngày thảo luận đầu tiên tại hội trường về tình hình kinh tế với những vấn đề nóng như doanh nghiệp vẫn khó khăn, tăng trưởng thấp và lần đầu tiên trong nhiều năm hụt thu ngân sách. Theo chương trình làm việc, Quốc hội sẽ dành một ngày rưỡi (cả ngày 31/10 và sáng 1/11) để thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011-2015).
Báo cáo của Chính phủ được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày trước Quốc hội đầu kỳ cho biết, năm 2013 trong số 15 chỉ tiêu Quốc hội đề ra, có 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch như lạm phát được kiềm chế, tỷ lệ nhập siêu ở mức thấp. Nhóm không đạt kế hoạch đều tập trung vào các chỉ tiêu quan trọng như tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP và tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP.
Quốc hội bước vào phiên thảo luận đầu tiên về tình hình kinh tế. Ảnh: Tiến Dũng |
Tốc độ tăng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2013 ước đạt 5,4%, thấp hơn kế hoạch đã điều chỉnh. Một số ý kiến cho rằng kinh tế vẫn trong giai đoạn khó khăn, tiếp tục phải đối mặt với áp lực lớn trong ngắn hạn và chưa thể trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh trong 1-2 năm tới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm 2011-2013 dự kiến chỉ đạt 5,6% một năm, thấp nhất trong 13 năm.
Kinh tế vẫn rất khó khăn, tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ, không phát sinh số thuế phải nộp cao hơn so với các năm trước khiến cân đối ngân sách trở nên đáng báo động trong năm nay. Theo báo cáo của Ủy ban Tài chính Ngân sách, năm 2013 ngân sách ước hụt thu khoảng 63.630 tỷ đồng. "Sau nhiều năm vượt thu, đây là năm đầu tiên số thu ngân sách cả năm ước không đạt dự toán", cơ quan này nhận định.
Hụt thu lớn mà vẫn cần vốn cho đầu tư phát triển, bội chi ngân sách Nhà nước đã tăng vọt so với con số dự toán, Chính phủ phải đề xuất nâng trần bội chi, khiến nhiều đại biểu Quốc hội lo lắng về kỷ luật ngân sách.
* Phó thủ tướng: Chính phủ không gánh nợ thay Vinashin
Nghị quyết của Quốc hội thông qua cuối năm ngoái quy định bội chi ngân sách năm 2013 không vượt quá 4,8%. Trong báo cáo Chính phủ trình Quốc hội đầu kỳ họp này, mức bội chi năm 2013 dự toán 5,3%.
Đơn vị: tỷ đồng. Nguồn: Ủy ban Tài chính Ngân sách |
Quyết định nới trần bội chi đã được Ủy ban Tài chính Ngân sách tán thành nhưng nhiều ý kiến cho rằng đây vẫn là chủ đề làm nóng nghị trường trong phiên thảo luận hôm nay.
Mở đầu phiên thảo luận sáng nay, đa số đại biểu đều tán thành với những báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, trước vấn đề tăng trưởng kinh tế năm 2013 chỉ đạt 5,4%, thấp hơn kế hoạch, hụt thu ngân sách lớn, doanh nghiệp gặp khó khăn, sức mua giảm sút, đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) yêu cầu phải làm rõ nguyên nhân của những hạn chế trên.
Liên quan đến "chủ đề nóng" bội chi ngân sách, các đại biểu đều cho rằng nên cho phép phát hành trái phiếu, nới trần bội chi để thúc đẩy tăng trưởng. "Tăng trưởng kinh tế vẫn phụ thuộc lớn vào vốn đầu tư, không tăng đầu tư thì sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng lâu dài. Từ đó, tôi tán thành việc mở rộng đầu tư công ở chừng mực hợp lý thông qua phát hành trái phiếu, nới trần bội chi nhằm kích thích thị trường, tạo việc làm", bà Yến phát biểu.
Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) nhận định cắt giảm đầu tư công chính là một nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế chững lại, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn. Do đó, ông đồng tình với đề xuất tăng bội chi ngân sách của Chính phủ nhằm hoàn thành các dự án lớn.
Kinh tế trì trệ như hiện này là do quá thiên về ổn định vĩ mô, đề nghị Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến mục tiêu tăng trưởng, bên cạnh việc kiểm soát lạm phát, ông Sơn nhấn mạnh.
Tuy nhiên, các đại biểu nhấn mạnh khoản vốn tăng thêm cần kiểm soát chặt chẽ, khắc phục việc đầu tư dàn trải, ưu tiên vốn cho những lĩnh vực thiết yếu, các dự án tạo sự thay đổi về cục diện. Về lâu dài, khi kinh tế hồi phục phải giảm tỷ trọng đầu tư công và tăng dần tỷ lệ đầu tư tư nhân.
Ngoài ra, Chính phủ cần bán vốn tại một số doanh nghiệp để tăng thu ngân sách, đẩy nhanh cổ phần hóa đến năm 2015, có giải pháp quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hướng tín dụng vào những lĩnh vực hợp lý.
Liên quan đến quản lý vàng, đa số ý kiến nhận xét thị trường trong nước đã bước đầu được bình ổn, song vẫn chưa đạt mục tiêu đưa giá vàng trong nước sát với giá thế giới. Nợ xấu, nợ đọng trong nền kinh tế vẫn ở mức cao, cần thêm thời gian và nguồn lực để xử lý.
Tái cơ cấu nền kinh tế dù đã được triển khai tích cực nhưng vẫn chưa thu được những kết quả rõ rệt, nhiều ý kiến cho rằng việc thực hiện vẫn chủ yếu "trên giấy". Theo đó, tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm đầu tư công mới dừng ở việc kiểm soát chặt hơn nguồn đầu tư danh mục đầu tư chứ chưa ngăn chặn được từ gốc rễ trách nhiệm phê duyệt dự toán đầu tư quá mức cần thiết, kém hiệu quả.
Tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, đến nay đã cơ bản thực hiện xong việc tái cơ cấu 9 ngân hàng yếu kém, tuy nhiên nợ xấu vẫn còn ở mức cao và tình trạng sở hữu chéo chưa được giải quyết. Tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng mới dừng ở sắp xếp, định hướng thoái vốn đầu tư ngoài ngành, kết quả mang lại từ quá trình này còn chậm, mà thực tế cho thấy để càng chậm thì hậu quả càng trầm trọng hơn.
Sang năm 2014, Chính phủ đặt mục tiêu tiếp tục củng cố, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục hồi nhịp độ tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược. Trong đó, tăng trưởng kinh tế phấn đấu đạt khoảng 5,8%; Tỷ lệ bội chi ngân sách là 5,3% GDP; Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 30% GDP; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng 7%.
Tuy nhiên, một số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2014 sẽ không cao hơn nhiều so với năm 2013 nên đề nghị chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng năm sau chỉ nên ở khoảng 5,5%, tránh tạo áp lực lên lạm phát.
Về ngân sách, đa số thành viên Ủy ban Kinh tế tán thành với đề xuất tăng bội chi, nhưng nhấn mạnh phần bội chi tăng thêm cần phải tập trung cho đầu tư phát triển với danh mục công trình cụ thể và có sự giám sát chặt chẽ để bảo đảm hiệu quả cao nhất. Song, một số ý kiến không tán thành việc nới trần bội chi lên 5,3% GDP bởi như vậy sẽ ảnh hưởng tới an toàn nợ công và cân đối vĩ mô.
Nguồn: Vnexprees