Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Đại dự án mỏ sắt Thạch Khê: Thấy con voi mà không bắt được!

 Đây được xem là mỏ sắt trữ lượng quặng lớn nhất Đông Nam Á, ước tới hơn 540 triệu tấn, chiếm hơn 1/2 trữ lượng quặng sắt toàn quốc. Tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, dự án kỳ vọng biến Hà Tĩnh từ tỉnh thuần nông thành trung tâm công nghiệp nặng.

Từng là một dự án đầy kỳ vọng

Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê (Thạch Hà, Hà Tĩnh) được triển khai năm 2008, với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, do Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư (đến tháng 12/2014, dự án được phê duyệt điều chỉnh lại với tổng mức đầu tư 14.517,2 tỷ đồng).

Tháng 9/2009, TIC chính thức khởi động dự án bằng việc thực hiện thử nghiệm công nghệ và bóc đất tầng phủ.

Được đánh giá là mỏ lớn nhất Việt Nam, mỏ quặng sắt Thạch Khê có tổng trữ lượng hơn 540 triệu tấn, hàm lượng sắt trung bình gần 60%. Mỏ Thạch Khê có thể khai thác trong thời gian 47 năm, không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước mà còn có thể phục vụ xuất khẩu.

Lộ trình cụ thể: lập dự án xây dựng khu Liên hợp luyện kim tại (Thạch Khê, Hà Tĩnh) từ khâu khai thác quặng, luyện phôi, cán thép với nguyên liệu chính được khai thác từ mỏ sắt Thạch Khê. Khi mỏ sắt Thạch Khê đi vào hoạt động, sẽ giải quyết việc làm cho 2.600-2.900 lao động. Và trước tình hình nhu cầu thép trên thị trường thế giới ngày càng tăng cao thì dự án này sẽ giúp cho ngành thép Việt Nam, vốn lệ thuộc gần như 100% vào nguồn phôi thép nhập khẩu, phát triển ổn định.

TIC khẳng định, với tổng mức đầu tư là 14.517 tỷ đồng; hiệu quả kinh tế của dự án được phản ánh qua các chỉ số như sau: NPV: 2.865 tỷ đồng; IRR: 15,4%; Thời gian hoàn vốn: 9,5 năm; tỷ số lợi ích: 1,06. Do vậy, kỳ vọng khi dự án này đi vào hoạt động sẽ đem lại nhiều hiệu quả kinh tế - xã hội.

Theo đó, Dự án đảm bảo cung cấp nguyên liệu ổn định lâu dài cho cơ sở luyện kim trong nước theo Quy hoạch ngành đã được Chính phủ phê duyệt; giảm nhập khẩu quặng, phôi thép từ nước ngoài; góp phần phát triển ngành Thép Việt Nam, đặc biệt là ngành chế tạo từ thép chất lượng cao, tăng GDP cả nước. Mặt khác, tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là dịch vụ và thương mại trên địa bàn các xã vùng mỏ và tỉnh Hà Tĩnh.

TIC còn cho rằng, nếu dự án đi vào hoạt động hiệu quả sẽ tạo nguồn thu ngân sách lớn cho Nhà nước. Theo tính toán hàng năm nộp ngân sách từ Dự án trung bình giai đoạn I là 1.200 tỷ đồng/năm (công suất 5 triệu tấn/năm), giai đoạn II là 2.400 tỷ đồng/năm (công suất 10 triệu tấn/năm). Tổng thu từ các khoản thuế phí trên của Dự án đạt trên 89.700 tỷ đồng. Ngoài ra, còn các khoản thuế, phí khác như: Thuế xuất nhập khẩu, thuế TNDN, thuê đất... Phát triển các dịch vụ đi kèm tại địa phương khi hàng tháng có trên 20 tỷ đồng tiền lương được đem vào tiêu dùng.

Cùng với đó, dự án dự kiến sẽ tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhân dân khu vực lân cận thông qua kinh doanh dịch vụ, thương mại, phụ trợ…. Nhân dân khu vực lân cận được đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư công trình an sinh xã hội thông qua Đề án 946 (TIC hỗ trợ đầu tư 247,5 tỷ đồng), được đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho 3.490 lao động trực tiếp, nâng cao đời sống cho người lao động và nhân dân địa phương.

Theo tính toán của TIC, dự án này sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cho nhà đầu tư. Theo tính toán thì lợi nhuận của Dự án đem lại cho nhà đầu tư là sau thuế là 53.024 tỷ đồng

Lộ rõ quá nhiều bất cập

Sau 2 năm kể từ ngày khởi công, đến tháng 7/2011, TIC thực hiện bóc đất tầng phủ đến độ sâu -28m, đạt 12,7 triệu m3. Lúc này, quá trình bóc đất tầng phủ đã xuất hiện những bất cập trong thiết kế kỹ thuật, công nghệ khai thác và đối mặt với những khó khăn tài chính bởi một số cổ đông không góp vốn đúng cam kết. Đến tháng 11/2011, Thủ tướng Chính phủ đã phải cho tạm dừng dự án, để thẩm định lại thiết kế kỹ thuật và tái cơ cấu cổ đông.

Trong đó, sau nhiều lần thẩm định, dự án lộ rõ những hạn chế trong kỹ thuật. Cụ thể, công tác đổ thải bố trí hoàn toàn trên đất liền, trong khi dung tích và chiều cao các bãi thải cát rất lớn sẽ gây nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng đến môi trường. Ngoài ra, công nghệ đào sâu đáy mỏ một cấp không phù hợp với điều kiện khí hậu của Hà Tĩnh. Việc sử dụng các thiết bị cỡ lớn chạy bằng điện không cơ động, sử dụng ô tô khung cứng có tải trọng lớn là chưa có cơ sở chắc chắn, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ngoài ra, về công nghệ khai thác, dự án còn đối mặt với những khó khăn tài chính. TIC được thành lập ban đầu với 9 cổ đông sáng lập, trong đó, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) chiếm tỷ lệ góp vốn lớn nhất (30%). Các cổ đông còn lại hầu hết năng lực tài chính yếu, việc góp vốn điều lệ chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Đến tháng 11/2011, tổng số vốn các cổ đông đóng góp mới chỉ đạt hơn 1.000 tỷ đồng, bằng 42,08% vốn điều lệ. Từ đó, dẫn đến hàng loạt hệ lụy như: Chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, thiếu tiền thanh toán cho nhà thầu tư vấn lập thiết kế kỹ thuật, thiếu tiền xây dựng khu tái định cư.

Bên cạnh đó, lộ trình giải phóng mặt bằng đề ra giai đoạn 2008-2013 giải phóng trắng 3.898,24 ha, di dời 3.952 hộ dân, với kinh phí 3.478 tỷ đồng, nhưng thực tế lại không khả thi. Hơn nữa, những năm qua, giá quặng sắt trên thế giới giảm rất thấp, các doanh nghiệp trong nước có thể dễ dàng nhập khẩu quặng với giá rẻ để luyện thép để tối ưu hoá lợi nhuận.

Trong quá trình triển khai thác lộ rõ nhiều bất cập, chậm, kéo dài; một số đơn vị tham gia góp vốn chưa thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc góp vốn và thoái vốn tại Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê làm ảnh hưởng tiến độ của dự án.

Quá trình, giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư không đồng bộ, gây khó khăn đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Hiện nay, lộ rõ nhất là ô nhiễm môi trường, nhiễm phèn nặng, dân sống khổ, chết khổ.

Đến cuối năm 2016, UBND Hà Tĩnh đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị tạm dừng triển khai dự án. Theo UBND Hà Tĩnh, một số nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường còn chung chung, sơ sài, vì vậy cần xem xét, rà soát lại. Bên cạnh đó là hiệu quả kinh tế của dự án. Khi chưa giải quyết được các tồn tại đã nêu thì chưa cho khởi động lại dự án mỏ sắt Thạch Khê.

Dự án dừng triển khai hơn 7 năm qua đã để lại vô vàn hệ lụy trực tiếp cho người dân 6 xã vùng bị ảnh hưởng khai thác mỏ sắt Thạch Khê cũng như những khó khăn không nhỏ cho phát triển KT-XH của tỉnh Hà Tĩnh. Người dân vùng mỏ Thạch Khê mới có câu nói cửa miệng rằng: “Cho thấy con voi mà không bắt được”!

Nguồn tin: Infonet

ĐỌC THÊM