Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Đại gia ngành thép sắp hầu tòa

Cựu tổng giám đốc Công ty Thái Sơn với cáo buộc chủ mưu chiếm đoạt hơn 420 tỷ đồng của 9 ngân hàng đang đối mặt với án chung thân, theo truy tố của VKS.

VKSND Tối cao vừa ra cáo trạng truy tố Phạm Văn Thụ (64 tuổi, nguyên chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty Thái Sơn, Hải Phòng) cùng các đồng phạm để đưa ra xét xử tại TAND Hải Phòng.

Theo cáo trạng, ngoài công ty Thái Sơn với đăng ký kinh doanh thép vật tư phế liệu, phương tiện vận tải thủy, bộ, sản xuất phôi thép…, ông Thụ lập thêm 11 công ty khác đứng tên vợ, con và anh, em trong gia đình. Mọi hoạt động đều do ông điều hành, quyết định.

Trong hơn 10 năm đầu, công ty của ông Thụ liên tục kinh doanh có lãi, được  vinh danh “Doanh nghiệp tiêu biểu”. Tuy nhiên, từ tháng 8/2008, công ty kinh doanh thua lỗ. Cuối năm 2010, các khoản vay đến hạn trả, không còn khả năng thanh toán, ông Thụ chỉ đạo lập hồ sơ mua bán sắt thép khống giữa các công ty của mình để vay tiền ngân hàng. Tài sản bảo đảm là bất động sản, số sắt thép còn lại trong kho tại các công ty.

Mỗi khoản vay ông Thụ sử dụng từ 3 công ty trở lên: công ty Thái Sơn đứng ra vay tiền ngân hàng trả cho công ty thứ 2 đã ký hợp đồng bán sắt thép, sau đó xuất hóa đơn bán sắt thép cho công ty thứ 3 khi công ty này đã bán sắt thép khống cho công ty thứ 2.

Có 2 trong 11 công ty ông Thụ lập ra chỉ để lấy tư cách pháp nhân, xuất hóa đơn giá trị gia tăng và ký hợp đồng mua bán sắt thép khống. Với ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông, chi nhánh Hà Nội (OCB Hà Nội), theo cáo buộc bằng thủ thuật trên, ông Thụ đã chỉ đạo lập 7 hồ sơ mua bán, chiếm đoạt 99 tỷ đồng.

8 tổ chức tín dụng khác cũng trở thành nạn nhân của ông Thụ. Sau khi trừ số tài sản đảm bảo, VKSND Tối cao xác định, ông Thụ và các đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 420 tỷ đồng của 9 ngân hàng: OCB, Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank), Ngân hàng Liên doanh Việt Nga (VRB), Ngân hàng thương mại cổ phần quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DAB), Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank Hải Phòng), Ngân hàng Hàng hải (MSB), Ngân hàng Thương mại cổ phần phát triển TP HCM (HDBank), Ngân hàng bưu điện Liên Việt (LPB).

thai-son.jpg
Do nợ nần nhiều, Công ty Thái Sơn đã phải bán lại cho doanh nghiệp khác với giá chỉ 1 USD. Ảnh: Tiền Phong

Trong quá trình điều tra, bị can Thụ đã khắc phục 100% thiệt hại cho HDBank (gần 76 tỷ), SeABank (gần 20 tỷ), DAB (gần 56 tỷ đồng) và một phần hậu quả cho MSDB với tổng số tiền hơn 180 tỷ đồng.

Liên quan vụ án, 4 cựu cán bộ ngân hàng cũng bị truy tố về các tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Hai trong số này làm việc HDBank Thăng Long gồm: Lê Quý Hiển (36 tuổi, nguyên giám đốc), Phan Hoàng Giang (37 tuổi, nguyên phó phòng Quản lý hỗ trợ tín dụng). Hai người còn là cựu cán bộ DAB: Trương Quang Đông (35 tuổi, nguyên trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp), Phan Xuân Hòa (29 tuổi, nhân viên tín dụng Phòng khách hàng doanh nghiệp).

Theo cơ quan tố tụng, 2 bị can Hiển và Giang trực tiếp ký duyệt cho Công ty Thái Sơn vay 100 tỷ đồng theo 9 khế ước nhận nợ khi khách hàng chưa đủ tài liệu chứng minh vốn tự có, cho vay không có bảo đảm. Còn Đông và Hòa không theo dõi, giám sát Công ty thép Minh Thanh (do con trai ông Thụ làm giám đốc) làm thủ tục hải quan vận chuyển sắt thép từ cảng về kho chỉ định, không lập kế hoạch tiếp nhận hàng dẫn đến gây thất thoát hơn 46 tỷ đồng.

Tổng cộng 11 người bị truy tố trong vụ án này, ngoài ông Thụ và 4 cán bộ ngân hàng, còn có Phạm Hải Thanh (34 tuổi, nguyên giám đốc Công ty thép Minh Thanh, Tổng giám đốc Công ty Thái Sơn), Nguyễn Thị Thanh Huyền (nguyên giám đốc Công ty TNHH Thiên Tân Phú), Trương Hồng Thơ (nguyên phó giám đốc Công ty TNHH thép Minh Thanh), Dương Hoàng Sơn (nguyên giám đốc Công ty TNHH MTV Thép Thanh Sơn), Nguyễn Quốc Anh (nguyên giám đốc Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Nhật Anh) cùng Trần Duy Tùng (nhân viên Phòng xuất nhập khẩu Công ty Thái Sơn).
Theo truy tố, các bị can Thụ, Huyền, Thanh, Thơ, Sơn, Tùng, Quốc Anh sẽ đối mặt với khung hình phạt từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Bị can Hiển, Giang đối mặt khung phạt 10-20 năm; Đông và Hòa từ 3 đến 12 năm.

Nguồn tin: Vnexpress

ĐỌC THÊM