Nền kinh tế châu Á mở cửa hơn so với bất cứ thời điểm nào trước đây, sự mở cửa này có tác động tích cực nhưng trong đó cũng tiềm ẩn các tác động tiêu cực khi nền kinh tế toàn cầu đang có nguy cơ trở lại suy thoái.
Ông Somavia khẳng định mô hình tăng trưởng kinh tế định hình từ 30 năm trước giúp nền kinh tế các nước châu Á thịnh vượng nay đã chứng tỏ không chỉ mất cân bằng, không hợp lý, không bền vững mà còn tạo ra sự bất bình đẳng, những thách thức môi trường mới và không tạo ra được những việc làm mới có chất lượng. Mô hình này đe dọa sự gắn kết xã hội, ổn định chính trị và phát triển dài hạn.
Thế giới và châu Á cần tầm nhìn mới về tăng trưởng và phát triển để mở đường cho một kỷ nguyên mới về công lý xã hội, trong đó cần khẩn cấp gìn giữ và giành lại lòng tin của nhân dân vào khả năng của các chính phủ trong việc thúc đẩy các chính sách công vì lợi ích của nhân dân, đồng thời hỗ trợ giới kinh doanh trong nền kinh tế thực.
Tổng Giám đốc ILO kêu gọi các nhà hoạch định chính sách nối kết lại các nhu cầu của người lao động và giải quyết tận gốc cuộc khủng hoảng việc làm, đặc biệt đối với thanh niên. Điều quan trọng sống còn là các chính sách toàn cầu phải thúc đẩy đầu tư vào nền kinh tế thực với các công ty sản xuất hiệu quả, tạo nhiều việc làm, giảm không gian các hoạt động tài chính không hiệu quả. Cải tổ dịch vụ tài chính toàn cầu có tầm quan trọng thiết yếu để các ngân hàng thua lỗ được đổi mới, hỗ trợ đầu tư, buôn bán và tiêu thụ hiệu quả.
Ông Somavia khẳng định tầm nhìn là nền tảng của hoạch định chính sách vì nó định hình hành động. Thách thức đầu tiên là phát triển mô hình tăng trưởng hiệu quả hơn, bình đẳng hơn và tạo được nhiều việc làm. Hai là xây dựng và tăng cường các sàn bảo vệ xã hội để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, đặc biệt là người nghèo. Châu Á cần giải phóng tiềm năng của các công ty vừa và nhỏ, phát triển các mục tiêu xanh hóa nền kinh tế.